Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là nhận định trong bài viết có tiêu đề "Silicon Valley Talent Is Helping Grow Vietnam's Startup Hub" (tạm dịch: Nhân tài từ Thung lũng Silicon đang góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam) đăng trên Bloomberg.com ngày 14/2.
Bloomgerg dẫn báo cáo của KPMG International Ltd và HSBC Holdings Plc, cho biết số lượng công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra cho đến giữa năm 2022…
Một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm Sequoia Capital, Warburg Pincus và Alibaba Group Holding, cũng đang rót vốn cho nhiều công ty khởi nghiệp triển vọng tại Việt Nam.
Theo các dữ liệu tổng hợp từ Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co., năm 2021, Việt Nam đã thu về mức kỷ lục 2,6 tỷ USD, thông qua 233 giao dịch tư nhân, tăng từ 700 triệu USD và 140 giao dịch vào năm 2020.
Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết các công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng đang cạnh tranh với các công ty cùng lĩnh vực tại Đông Nam Á và chiếm 13% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực, chỉ sau Indonesia và Singapore vào năm 2021.
Theo Bloomberg, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư công nghệ và nhắm đến một nền kinh tế kỹ thuật số có thể đóng góp 40%(GRDP của Thành phố này.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhà chức trách tại Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, đồng thời đưa ra các ưu đãi khác để thu hút nhân tài toàn cầu và các công ty quốc tế thành lập các trung tâm nghiên cứu đổi mới.
Giới chuyên gia đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh có những yếu tố tạo nên một "Thung lũng Silicon" tiếp theo. Đó là một hệ thống giáo dục thiên về khoa học và toán. Cùng với đó, ngành công nghiệp gia công phần mềm đã phát triển hàng thập kỷ và tạo ra được rất nhiều kỹ sư tài năng mà họ lại không yêu cầu mức thù lao quá cao cũng như những lợi ích từ việc kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á./.
theo TTXVN