Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn. Ảnh Mps |
Trước đó, ngày 2/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 02 khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Hòa Bình để điều tra về hành vi có dấu hiệu làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh khi chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình; cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 21 chuyển vụ án hình sự đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra.
Ngày 3/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (04 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với:
1. Đỗ Mạnh Tuấn, sinh ngày 4/12/1979; Nghề nghiệp: Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: Khu 7, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
2. Nguyễn Khắc Tuấn, sinh ngày 12/01/1981; Nghề nghiệp: Chuyên viên Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: Tổ 21, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình;
Hai đối tượng trên bị bắt về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Hiện nay Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra làm rõ toàn bộ vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sai phạm ở Hòa Bình rất nghiêm trọng
Liên quan đến vụ việc, ngày 3/8, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời một số cơ quan báo chí. Ông cho biết rất bất bình và khẳng định: “Bộ tuyệt đối không dung túng, bao che cho những sai phạm này. Nếu phát hiện có sai phạm là xử lý đến cùng, bất kể đó là địa phương nào, đối tượng nào gây ra để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh”.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định: Sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cho thấy các cá nhân vi phạm đã có ý đồ, có tổ chức. Những hành vi gian lận đã can thiệp nhiều khâu trong quy trình thi vốn rất nghiêm ngặt để thay đổi kết quả, làm mất tính công bằng của kỳ thi.
Hiện nay, cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra để đưa ra đầy đủ thông tin về sai phạm trong chấm thi ở tỉnh Hòa Bình. Qua thông tin ban đầu, sai phạm ở Hòa Bình cũng rất nghiêm trọng, thậm chí là tinh vi hơn Hà Giang, Sơn La. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Công an đều chỉ đạo làm tới cùng để đảm bảo công bằng cho xã hội...
Trước đó, ngày 23- 24/7, Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành chấm thẩm định tại Hòa Bình với những bài thi từ điểm 8 trở lên và cho kết luận ban đầu là không có dấu hiệu bất thường. Dư luận rất băn khoăn về việc đến nay lại phát hiện dấu hiệu sai phạm. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh nêu rõ: Tổ chấm thẩm định chỉ tiến hành chấm trên bài thi. Còn việc phát hiện sai phạm là ở khâu can thiệp lên bài làm của thí sinh trước đó, chứ không phải trong khâu chấm thi, nên tổ thẩm định không phát hiện được.
Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, tổ chấm thẩm định đã nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm. Chính vì vậy, ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ vụ việc. Qua đấu tranh và xác minh ban đầu cho thấy, đã phát hiện dấu hiệu sửa đổi phiếu trả lời thi trắc nghiệm để tăng điểm cho thí sinh. Trên quan điểm làm việc nghiêm túc, nghiêm minh, Bộ Công an sẽ sớm có kết quả cuối cùng và sẽ sớm thông báo trước công luận.
Ông Mai Văn Trinh cho biết: Qua mỗi năm tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều tổng kết, nhìn nhận điểm được và chưa được trong khâu tổ chức kỳ thi. Từ năm 2017, kỳ thi đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho thí sinh. Với các môn thi trắc nghiệm, trong từng phòng thi, mỗi thí sinh đều có một mã đề riêng - đây là giải pháp giúp kỳ thi công bằng và khách quan hơn.
Tuy nhiên, qua sai phạm tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy những lỗ hổng mà tới đây sẽ phải điều chỉnh để bảo đảm sự nghiêm ngặt của kỳ thi./.