Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về quan điểm phát triển: Phát triển ngành Nhựa Việt Nam phù hợp với: (1) quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, xu thế và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; (2) tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng, hợp tác hỗ trợ thúc đẩy phát triển hài hòa với các ngành công nghiệp khác; (3) hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, tạo ra năng suất lao động cao đồng thời đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững gắn với bảo vệ môi sinh, môi trường...
Về mục tiêu: Quy hoạch nhằm phát triển ngành Nhựa Việt Nam thành một ngành kinh tế mạnh với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và đưa ngành Nhựa Việt Nam thành ngành công nghiệp tiên tiến, sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa về chủng loại, mẫu mã, có tính cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường.
Về định hướng phát triển: Phát triển ngành Nhựa Việt Nam theo hướng hiện đại, tăng cường tự động hóa, từng bước loại bỏ công nghệ, thiết bị cũ, thay thế bằng thiết bị tiên tiến, hiện đại của thế giới; Đầu tư phát triển ngành Nhựa đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; Huy động tổng hợp mọi nguồn lực trong và ngoài nước tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên liệu, bán thành phẩm, hóa chất, phụ gia cho ngành Nhựa.
Về quy hoạch phát triển: Tập trung quy hoạch phát triển các nhóm sản phẩm ngành Nhựa; nhiên liệu, hóa chất phụ gia cho ngành Nhựa; tái chế phế liệu nhựa; phân bố không gian.
Về nhu cầu vốn đầu tư: Theo Quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 175.530 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2011 – 2015 là 88.624 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 là 152.442 tỷ đồng.
Quyết định đưa ra các chính sách và giải pháp chủ yếu như sau: Các giải pháp bao gồm giải pháp về vốn; thị trường; đầu tư; quản lý ngành; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất nguyên liệu cho ngành; phát triển khuôn mẫu cho ngành Nhựa; phát triển nguồn nhân lực.
Các cơ chế chính sách trong Quy hoạch gồm các chính sách về tài chính, thuế và về vốn.
Quy hoạch cũng quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo phát triển ngành Nhựa theo Quy hoạch.
Chi tiết danh mục các dự án nguyên liệu ngành Nhựa; dự án chế tạo thiết bị, khuôn mẫu; dự án tái chế phế liệu ngành Nhựa xem tại các Phụ lục đính kèm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 6 năm 2011.
Chi tiết Quyết định xem tại đây .