Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 29/3 về nội dung mới được nêu tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, bà Vũ Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Về Quỹ bình ổn xăng dầu, bà Hiền thừa nhận thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, cơ quan soạn thảo sẽ lấy ý kiến để đưa ra cơ chế phù hợp, đảm bảo đúng với luật Giá và các quy định pháp luật liên quan.
"Dự thảo nghị định dự kiến quy định rõ trường hợp thực hiện bình ổn giá thì Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chủ trương biện pháp bình ổn giá xăng dầu để thực hiện. Việc này cũng phù hợp với quy định của luật Giá năm 2023 mới ban hành có hiệu lực từ 1/7/2024", bà Hiền nói.
Thông tin thêm về những nội dung tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Nghị định Kinh doanh xăng dầu mới thay thế 3 Nghị định quản lý xăng dầu hiện nay, gồm có: Nghị định 83, Nghị định 95, Nghị định 80. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và yêu cầu cố gắng trong tháng 3/2024 đã phải trình Chính phủ.
Tuy nhiên, theo quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thì cần có thời gian để đăng công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi của tất cả mọi người và theo quy định phải có 60 ngày, nên Bộ Công Thương trong quá trình soạn thảo đã phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất là sẽ công bố lấy ý kiến hoàn thiện bắt đầu từ 27/3.
"Dự kiến nội dung của dự thảo Nghị định mới có rất nhiều nội dung, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu, không thiếu hụt, đảm bảo an ninh năng lượng", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định và cho rằng: Trong quá trình điều hành giá xăng dầu thì cố gắng gắn với câu chuyện tiếp cận được cơ chế thị trường, nhưng phải có sự điều tiết của cơ quan nhà nước.
Liên quan đến điều hành giá, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện nay điều hành giá trên tinh thần Liên bộ, đưa ra mức giá trần để làm tham khảo và từ đó các doanh nghiệp đưa ra mức giá tính toán của mình sao cho phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế của họ, nhưng không vượt mức giá trần.
Về việc giữ Quỹ bình ổn xăng dầu, đây là nội dung còn nhiều tranh luận nên Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến. Về nội dung trích lập quỹ, hiện có một số vấn đề cần điều chỉnh và cụ thể hoá, đưa vào dự thảo Nghị định.
Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ về dự thảo nghị định mới về xăng dầu, thay thế các nghị định trước đây. Trong đó, Bộ này đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu.
Bộ Công Thương lý giải, xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của luật Giá, nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường.
Tuy nhiên, để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, dự thảo quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá, mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá.
Cơ quan soạn thảo đề xuất, Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định, để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán xăng dầu sẽ được thương nhân đầu mối công bố nhưng không được vượt qua giá tối đa đã được tính toán theo công thức.
Phan Trang