• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bộ đang “nặng tay” và quá khắt khe?

(Chinhphu.vn) - Để ra được một quyết định xử lý sai phạm, cơ quan chức năng phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của các hành vi vi phạm của chính các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, chứ không thể áp đặt một cách tùy tiện được, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), khẳng định.

28/10/2014 08:57
Ông Hoàng Vĩnh Bảo
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ:

Thưa ông, thời gian gần đây, trước việc Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội, đa số dư luận xã hội rất đồng tình, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Bộ đang “nặng tay” và quá khắt khe?

Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm là một khâu rất quan trọng trong hoạt động quản lý, thiếu nó cũng có nghĩa là hoạt động quản lý không đạt hiệu quả. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ, trong đó có lĩnh vực thông tin, báo chí. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo rất rõ ràng: Qua thanh tra, kiểm tra, không chỉ phát hiện và xử lý các sai phạm, mà điều quan trọng là nhìn nhận, đánh giá sát thực hơn tình hình thực thi, phát hiện những bất cập, những điểm chưa phù hợp của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông để có định hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tôi cho rằng, việc nhận xét “nặng tay”, “ khắt khe” hay không phải tùy thuộc vào tính chất và mức độ của các hành vi vi phạm của chính các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật chứ cơ quan quản lý Nhà nước không thể áp đặt một cách tùy tiện được. Để ra được một quyết định xử lý sai phạm, chúng tôi phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật. Theo tôi, nhận xét trên, rất có thể xuất phát từ việc xử lý các sai phạm gần đây được thanh tra Bộ và thanh tra chuyên ngành của Bộ thực hiện khá kịp thời, nghiêm minh và công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ, trên báo chí. Đó chính là điểm rất mới, rất quyết liệt trong chỉ đạo của lãnh đạo Bộ đối với việc xử lý các sai phạm trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, thông tin trên mạng.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc xử lý mạnh tay gần đây của Bộ đối với mạng xã hội haivl.com là do sức ép của báo chí? Ý kiến của ông về việc này?

Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Thông tin báo chí là một kênh thông tin rất quan trọng đối với các cơ quan quản lý. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp phải rất coi trọng công tác thông tin báo chí, coi đó là một kênh rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhất là đồng chí Bộ trưởng đặc biệt coi trọng vấn đề này và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ trong giao ban quản lý Nhà nước định kỳ.

Bộ đã hình thành một Trung tâm thông tin để vừa thực hiện quản lý, vận hành Trang thông tin điện tử của Bộ nhằm cung cấp thông tin công khai cho xã hội, cho báo chí, đồng thời, có trách nhiệm tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ và công tác tham mưu, quản lý của các đơn vị thuộc Bộ.

Nói như vậy để thấy rằng, việc xử lý sai phạm của mạng xã hội haivl.com vừa qua, chúng tôi rất quan tâm đến dư luận xã hội, nhất là báo chí, nhưng hoàn toàn không chịu sức ép. Báo chí rất quan trọng trong việc giúp cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện vấn đề, nhưng việc quyết định xử lý sai phạm phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Nhân đây, tôi cũng xin được bày tỏ lời cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ chúng tôi trong công tác quản lý lĩnh vực phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, các cơ quan báo chí không chỉ phát hiện, lên án, phê phán các hiện tượng tiêu cực sai trái mà còn là những cơ quan gương mẫu nhất, chuẩn mực nhất trong việc thực thi các chính sách, pháp luật về thông tin báo chí, thực sự đóng vai trò chủ đạo, định hướng thông tin trong xã hội.

Qua thực tiễn quản lý và qua việc xử lý sai phạm của một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội thời gian gần đây, ông có thể rút ra những nhận xét gì?

Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Trước hết, là những người khởi xướng, quản lý và tham gia hoạt động các trang thông tin điện tử, mạng xã hội đều còn rất trẻ, hầu hết trong độ tuổi trên dưới 30, có người chỉ mới 24, 25 tuổi. Họ là những người rất giỏi về công nghệ thông tin, rất nhạy bén với cái mới và rất táo bạo trong kinh doanh. Có thể nói, đó là những tố chất đáng quý, đáng trân trọng, cần khuyến khích và nâng đỡ.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là rất nhiều người trong số đó không nắm được, không hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình hoạt động, họ làm theo cảm tính và khát khao làm giàu nhanh nhất. Cũng có người nói với tôi, các em còn trẻ, cho nên việc nghiên cứu để nắm vững và thực hiện đúng các quy định của pháp luật cần có thời gian. Tôi lại nghĩ khác, các em còn trẻ, tiếp nhận cái mới rất nhanh, vì vậy, việc đầu tiên khi quyết định khởi nghiệp các em cần phải nghiên cứu thật kỹ, nắm thật chắc các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình hoạt động. Có như vậy mới bền vững, có như vậy mới dần hình thành văn hóa pháp lý cho cả một thế hệ mới, mới dần khắc phục được tình trạng làm ăn chụp giật, mới mong hình thành được những doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Cũng vì quá trẻ, giỏi về kỹ thuật công nghệ, nhạy bén trong kinh doanh nhưng lại hạn chế về kiến thức văn hóa-xã hội, thiếu nhạy cảm chính trị… cho nên đôi khi  làm sai mà vẫn nghĩ mình đúng, làm sai mà không biết đó là sai. Chính cái còn thiếu, còn hạn chế này khiến các em đôi khi không đủ bản lĩnh và tỉnh táo để vượt qua những cám dỗ về lợi nhuận thuần túy cho cá nhân mình, doanh nghiệp mình mà coi nhẹ lợi ích chung của đất nước, của xã hội, của cộng đồng. Vì vậy, việc các cơ quan quản lý xử nghiêm, xử đúng các sai phạm, chính là bài học cần thiết và đắt giá để các em có định hướng đúng, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết trước khi khởi nghiệp, lựa chọn hướng đi cho mình một cách phù hợp nhất, đảm bảo bền vững và hiệu quả. Bởi lẽ, các em còn trẻ, cuộc đời còn dài, mọi khát khao chính đáng đều còn rất nhiều thời gian và cơ hội để thực hiện.

Xin ông cho biết những công việc tiếp theo mà Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ làm trong thời gian tới nhằm giúp Bộ Thông tin và Truyền thông chấn chỉnh và nâng cao chất lượng thông tin trên mạng?

Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Chúng tôi sẽ phối hợp với các Cục, Vụ liên quan trong Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động và chất lượng thông tin của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trong đó có cả trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ và Thông tư 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

Các trang thông tin điện tử tổng hợp, các mạng xã hội không thực hiện đúng nội dung giấy phép, có nhiều sai phạm gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính thật nghiêm, bị thu hồi giấy phép, và nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại lợi ích của đất nước sẽ chuyển cơ quan chức năng để xử lý về hình sự.

Riêng đối với các mạng xã hội, thực hiện Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ, nhân việc tham mưu, trình Bộ cấp phép lại theo các điều kiện mới, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá chất lượng hoạt động của từng mạng xã hội, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định cấp phép mới, theo đúng đinh hướng của Đảng và Nhà nước: Khuyến khích phát triển các mạng xã hội trong nước có nội dung lành mạnh, tích cực và kiên quyết loại bỏ các mạng xã hội có nội dung gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam./.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 

                                                                                                     P.V