Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cụ thể, ý kiến cử tri cho rằng: Thực tế cho thấy du học sinh Việt Nam được hưởng học bổng từ ngân sách nhà nước đi du học ở nước ngoài để phục vụ cho đất nước sau khi hoàn thành khóa học. Tuy nhiên, phần lớn các du học sinh sau khi tốt nghiệp đã ở lại nước ngoài sinh sống và làm việc.
Vậy, Nhà nước có ban hành quyết định thu hồi kinh phí nhà nước đầu tư cho du học sinh không về nước hay không? Tỷ lệ thu hồi đạt kết quả như thế nào? Đề nghị có giải pháp để thu hồi đạt kết quả cao nhất.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc cử người đi học ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước là thực hiện đúng chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho đất nước theo Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ triển khai một số đề án, chương trình học bổng Hiệp định theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các nước cử người đi học ở nước ngoài.
Thông qua các đề án, chương trình học bổng Hiệp định, các cơ quan, cơ sở giáo dục đại học tăng tỷ lệ giảng viên, cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo chuẩn quốc tế; chủ động giúp nhà trường cải thiện chất lượng đào tạo và đổi mới phương pháp đào tạo, giảng dạy theo hướng tích cực và hiện đại. Nhiều cơ quan, tổ chức được nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Về công tác tuyển sinh, cử đi học và quản lý du học sinh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Du học sinh sau khi tốt nghiệp được trả về cơ quan công tác (đối với trường hợp có cơ quan công tác) và có trách nhiệm đóng góp cho đơn vị cử đi theo quy định.
Đối với trường hợp không có cơ quan công tác, một số sẽ xin tiếp tục ở lại nước ngoài học lên trình độ cao hơn, một số về nước sẽ được Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực của Bộ GD&ĐT giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu về các cơ quan, địa phương, trường đại học đã cử du học sinh đi học có nhu cầu tuyển dụng.
Trường hợp du học sinh không hoàn thành khóa học, không thực hiện quy định của người được hưởng học bổng ngân sách nhà nước phải thực hiện xét bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định hiện hành.
Chính phủ đã ban hành các quy định xử lý bồi hoàn chi phí đào tạo đối với du học sinh đi học ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước tại các Nghị định: Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo; Nghị định số 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Đối với du học sinh có cơ quan công tác thuộc diện bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ do cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí. Đối với du học sinh không có cơ quan công tác sẽ do cơ quan nhà nước cấp học bổng cho du học sinh thực hiện xử lý và thu hồi chi phí.
Du học sinh được học bổng ngân sách nhà nước do Bộ GD&ĐT quản lý về cơ bản học xong về nước, một số không hoàn thành khóa học hoặc đã tốt nghiệp nhưng xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác.
Theo Bộ GD&ĐT, du học sinh ở lại nước ngoài chủ yếu là du học sinh học bổng khác và du học sinh tự túc. Du học sinh học bổng khác và du học sinh tự túc chiếm khoảng 97% trong tổng số khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tại nước ngoài theo thống kê năm học 2019-2020.
Trong danh sách du học sinh phải bồi hoàn hiện nay, tỷ lệ thu hồi chi phí đào tạo đạt khoảng 40% do có du học sinh không có khả năng hoàn trả hoặc xin hoàn trả dần.
Đối với trường hợp chưa thu hồi được chi phí, Bộ GD&ĐT thường xuyên có văn bản nhắc nhở cơ quan quản lý trực tiếp của du học sinh, phối hợp các cơ quan có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam nước sở tại, địa phương nơi du học sinh cư trú, cung cấp thông tin cho Cục A03 - Bộ Công an để yêu cầu du học sinh bồi hoàn.
Về đề xuất giải pháp thu hồi chi phí đào tạo đối với du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, Bộ GD&ĐT cho biết: Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về bồi hoàn chi phí đào tạo tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Cụ thể, bổ sung quy định cho phép du học sinh hoàn trả chi phí theo nhiều đợt phù hợp hoàn cảnh của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, bổ sung thêm chế tài xử phạt đối với trường hợp không chấp hành quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo.
Việc bổ sung các chế tài xử phạt cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.
Sau khi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung, các đối tượng phải bồi hoàn khác được quy định tại các Nghị định số 143/2013/NĐ-CP, Nghị định số 86/2021/NĐ-CP sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất.
Ngoài việc bổ sung thêm quy định thu hồi chi phí đào tạo, cần có giải pháp thu hút du học sinh về nước công tác. Theo đó cần triển khai các cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về trọng dụng, đãi ngộ đối với trí thức trẻ nói chung và đội ngũ du học nói riêng. Đồng thời, cải thiện môi trường nghiên cứu, làm việc trong nước theo hướng hiện đại, công bằng, lành mạnh và bảo đảm điều kiện làm việc thuận lợi; bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện các chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài như trả lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện làm việc, xây dựng quy định hỗ trợ tài năng, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
KL