Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bạn Nguyễn Hoàng Linh (hoanglinh166@...): Em năm nay là sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Công nghệ Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì em phải thi liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học vào đầu tháng 7. Nhưng tới lúc đó, khoá học của em chưa tốt nghiệp kịp thì sao, không lẽ chúng em phải chờ thêm một năm nữa?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Văn bản pháp quy là văn bản quy định chung cho tất cả các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh. Trong trường hợp này, nếu khoá em tốt nghiệp sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy thì phải chờ tháng 7 năm 2014 (nếu em muốn thi liên thông chính quy trong diện chưa đủ 36 tháng). Tuy nhiên em có thể thi liên thông hình thức vừa làm vừa học vì tuyển sinh hệ vừa làm vừa học được thực hiện từ 2 - 3 lần trong năm ở các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông.
Bạn Trần Hoàng (tranhoang1122@...): Em tốt nghiệp cao đẳng loại khá ngành cơ khí chế tạo tại Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng năm 2012. Theo em được biết đối với thí sinh đăng ký dự thi liên thông mà từ ngày tốt nghiệp đến khi dự thi chưa đủ 36 tháng thì phải tham gia thi chung với kỳ thi đại học, cao đẳng chính quy. Em muốn hỏi đề thi liên thông có chung với đề thi đại học, cao đẳng không? Thời gian và địa điểm nhận hồ sơ dự thi liên thông ra sao? Nếu em tốt nghiệp Cao đẳng loại khá thì có được thi liên thông Đại học ngay không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Câu hỏi của em không rõ là thi liên thông chính quy hay vừa làm vừa học. Nếu em thi liên thông chính quy (đối tượng chưa đủ 36 tháng), sẽ thi chung kỳ thi đại học, cao đẳng chính quy, hồ sơ nộp tại cơ sở em đăng ký học, địa điểm nộp hồ sơ như các đối tượng khác thi đại học chính quy. Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT không quy định ưu tiên xếp loại văn bằng tốt nghiệp, mọi đối tượng đều tham gia dự thi một cách bình đẳng.
Thí sinh dự thi liên thông được hưởng quyền lợi trong việc miễn trừ và bảo lưu kết quả học tập |
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Các thí sinh thi liên thông lên đại học chung với các thí sinh dự thi đại học, không được cộng điểm ưu tiên nếu không thuộc đối tượng như quy định tại các quy chế tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy hoặc hệ vừa làm vừa học.
Thí sinh dự thi liên thông được hưởng quyền lợi trong việc miễn trừ và bảo lưu kết quả học tập và tích luỹ ở giai đoạn trước. Cụ thể về số học phần, số lượng tín chỉ được miễn trừ, bảo lưu học do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định trên cơ sở xem xét đề nghị của Hội đồng tuyển sinh đào tạo liên thông. Việc miễn trừ, bảo lưu kết quả học tập cũng có nghĩa là em sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí đào tạo.
Bạn Lưu Tuyết Nhung (nhungtuyet@...): Em hiện đang học cao đẳng, chuyên ngành quản trị kinh doanh. Nếu em thi liên thông lên đại học chung với kỳ thi đại học, cao đẳng chính quy thì sẽ xét điểm đầu vào như thế nào? Có xét theo điểm chuẩn và chỉ tiêu chung với các thí sinh đại học không hay xét theo điểm chuẩn và chỉ tiêu riêng?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nếu em thi liên thông lên đại học chung với kỳ thi đại học, cao đẳng chính quy thì điểm xét tuyển đầu vào phải bằng điểm xét tuyển ngành dự thi do cơ sở đào tạo quyết định như mọi đối tượng khác. Chỉ tiêu đào tạo liên thông của cơ sở đào tạo được xác định tối đa bằng 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy của cơ sở đào tạo.
Bạn Nguyễn Thị Thu (thuc9c3b@...): Em vừa mới tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa đủ 36 tháng để thi liên thông theo đề thi của trường tổ chức liên thông. Em muốn thi chung đợt đại học nhưng không biết điểm trúng tuyển vào ngành em dự tính học có phải bằng với điểm trúng tuyển chung của năm đó không hay là lấy thấp hơn, hay lấy từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Nếu không trúng tuyển trường đó em có thể được xét nguyện vọng vào trường khác cùng chuyên ngành đăng ký hay không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nếu em muốn thi chung đợt đại học thì điểm trúng tuyển vào ngành em dự tính học phải bằng với điểm trúng tuyển chung của năm đó như các đối tượng dự thi khác. Nếu không trúng tuyển trường đó em có thể nộp kết quả thi vào trường khác cùng ngành đăng ký nếu em thi theo đề chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bạn Nguyễn Ngọc Hiệp (hoamaudon884@....): Trước đây em học trung cấp, sau khi ra trường em đi làm được 2 năm rồi học liên thông lên Cao đẳng. Tháng 9 này em ra trường, nếu phải đợi 3 năm thì liệu 2 năm đi làm trước của em có được tính không hay em phải đợi 3 năm từ khi tốt nghiệp Cao đẳng?
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thời gian 36 tháng (trước và sau) là mốc tính từ khi được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp hoặc Cao đẳng đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
Bạn Nguyễn Thị Hà Anh (mimosa90.love@...): Em là sinh viên đã tốt nghiệp Cao đẳng năm 2012, em muốn học liên thông lên Đại học năm nay nhưng em rất bất ngờ khi đọc quy định tuyển sinh mới của Bộ. Theo đó nếu em muốn học liên thông năm 2013 thì em phải thi Đại học giống như các thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo quan điểm của cá nhân em thì em thấy việc đó thực sự không phù hợp vì em đã đi học Cao đẳng 3 năm như vậy kiến thức phổ thông sẽ không thể nắm chắc như các tân thí sinh thi đại học. Em xin hỏi nếu em thi Đại học như các tân thí sinh thì điểm để đậu vào các trường sẽ giống như thang điểm dành cho tân thí sinh hay sẽ có sự khác nhau? Nếu như em thi đậu đại học rồi thì bằng tốt nghiệp của em sau này có ghi chữ "LIÊN THÔNG" hay sẽ được bỏ? Theo quan điểm của em thì sẽ nên bỏ vì chúng em đã thi Đại học như các tân thí sinh. Em đọc báo thấy Bộ ban hành quy định mới vì mục đích đảm bảo chất lượng học tập cho các sinh viên học liên thông và tấm bằng liên thông sẽ có chất lượng như tấm bằng chính quy. Vậy tại sao Bộ không trực tiếp ra đề thi liên thông chung và quy định rõ các trường có uy tín chất lượng đào tạo thực sự thì mới được đào tạo liên thông. Nếu làm như vậy Bộ sẽ hạn chế được rất nhiều nhược điểm và tiết kiệm được thời gian và kinh phí hơn rất nhiều so với việc tổ chức một kỳ thi Đại học cho các thí sinh thi liên thông như trường hợp của em. Kính mong Bộ xem xét.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định mới mở ra nhiều con đường cho những ai có quyết tâm và nghị lực, muốn học tập vươn lên ở trình độ cao hơn. Em có thể thi lên Đại học ngay nếu như em cảm thấy tự tin, đủ khả năng. Khi đó em sẽ phải thi các môn văn hoá, đối với hệ chính quy em sẽ đăng ký dự thi ở kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy tổ chức hàng năm. Em cũng có thể đi làm, tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức thực tế, sau 36 tháng quay trở lại nhà trường để thi lên Đại học, khi đó em sẽ phải thi các môn chuyên môn trên cơ sở kiến thức và kinh nghiệm em đã tích luỹ.
Khi được trúng tuyển, em sẽ được hưởng quyền lợi trong việc miễn trừ và bảo lưu kết quả học tập đã tích luỹ ở giai đoạn trước. Cụ thể về số học phần, số lượng tín chỉ được miễn trừ, bảo lưu do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định trên cơ sở xem xét đề nghị của Hội đồng tuyển sinh đào tạo liên thông. Việc miễn trừ, bảo lưu kết quả học tập cũng có nghĩa là em sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí đào tạo.
Về bằng cấp, không còn bằng cấp liên thông mà chỉ có bằng chính quy hoặc vừa làm vừa học phụ thuộc vào hệ đào tạo em lựa chọn học tập.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin giải đáp công dân
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân
Tin liên quan:
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Liên thông không phải là hệ đào tạo mới
- Liên thông phải được trả lại đúng bản chất
- Đổi mới căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo đại học