Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề nghị triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường sắt.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách dọc theo đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt; ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để triển khai thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt theo kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.
Trong thời gian chờ xóa bỏ, bố trí nhân lực cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; phối hợp với ngành đường sắt tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho nhân lực cảnh giới, trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cảnh giới theo quy định.
Các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt khu vực ngoài đô thị theo quy định. Về kinh phí thực hiện, Bộ Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách của địa phương hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính bố trí từ ngân sách trung ương để thực hiện.
Theo Bộ Giao thông vận tải, người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã được phân công tại Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố; chịu trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn theo quy định tại Điều 48 Luật Đường sắt.
Đối với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu kiểm tra, rà soát và khắc phục những tồn tại; xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể tổ chức giải tỏa, xóa bỏ các điểm vi phạm hành lang đường sắt và lối đi tự mở qua đường sắt.
Với các lối đi tự mở đang chờ xóa bỏ, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường để bảo đảm an toàn như bố trí người cảnh giới khi có tàu qua, cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện đường bộ, thu hẹp chiều rộng, giải tỏa tầm nhìn, lắp đặt đèn, xây dựng gờ, gồ giảm tốc để cảnh báo.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu hai đơn vị này phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định, quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang, lối đi tự mở nhằm nâng cao ý thức của người dân sinh sống dọc theo đường sắt trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang đường sắt, không đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt.
Chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương có đường sắt tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kịp thời phát hiện các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt để kiến nghị khắc phục; điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các khu quản lý đường bộ rà soát, bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu, biển hạn chế phương tiện đường bộ qua đường sắt, vạch dừng, đèn tín hiệu, gờ, gồ giảm tốc còn thiếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt, giải tỏa tầm nhìn tại các nút giao.
Chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan trong việc kết nối tín hiệu đường bộ, đường sắt tại các đường ngang giao cắt quốc lộ thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.
KN