Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại buổi họp giao ban tháng 2 của Bộ GTVT chiều 2/3, ông Bùi Quang Thái, Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, theo báo cáo của các chủ đầu tư, ban quản lý (BQL) dự án đăng ký, kế hoạch giải ngân 2 tháng đầu năm nay khoảng 10.318 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/2/2023, Bộ GTVT giải ngân được 10.737 tỷ đồng (đạt 104% kế hoạch giải ngân tháng) và đạt 11,4% kế hoạch năm (cao hơn cùng kỳ năm ngoái).
Trong đó, giá trị giải ngân 2 tháng đầu năm chủ yếu tập trung tại các dự án cao tốc Bắc-Nam với giá trị 8.816 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 82% giá trị đã giải ngân của cả Bộ GTVT).
Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 giải ngân 1.174/17.889 tỷ đồng, đạt 6,6% kế hoạch năm; các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 giải ngân 7.641/45.266 tỷ đồng, đạt 16,9% kế hoạch năm. Các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân 60,4/2.259 tỷ đồng, đạt 2,7% kế hoạch năm...
Có 5 đơn vị có tỉ lệ giải ngân thấp dưới mức bình quân của Bộ GTVT, gồm: BQL dự án đường Hồ Chí Minh đạt 1,4% kế hoạch năm; BQL dự án Đường thủy đạt 1,4%; BQL dự án Đường sắt đạt 3,8%; BQL dự án 85 đạt 7% và Cục Đường bộ Việt Nam đạt 9,8% kế hoạch năm.
Đánh giá kết quả giải ngân 2 tháng đầu năm đáp ứng tiến độ yêu cầu, tuy nhiên lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho rằng, trong thời gian tới việc duy trì tiến độ giải ngân để đáp ứng kế hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt tại các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 do phần lớn các gói thầu đã hoàn thành việc tạm ứng, chỉ tập trung cho công tác chuẩn bị, thi công nền đường có giá trị thanh toán không cao.
Theo kế hoạch các chủ đầu tư, BQL dự án đăng ký, tháng 3/2023 ước giải ngân khoảng 7.800 tỷ đồng.
Trong đó, có 3 BQL dự án đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, cần tập trung chỉ đạo thực hiện gồm: BQL dự án đường Hồ Chí Minh là 1.142 tỷ đồng, BQL dự án 7 là 1.548 tỷ đồng và BQL dự án 85 là 1.862 tỷ đồng.
Ngoài ra, giá trị giải ngân trong tháng 3 tiếp tục tập trung tại các dự án cao tốc Bắc-Nam (khối lượng thi công tại giai đoạn 1, tạm ứng một số gói thầu tại dự án giai đoạn 2 ) và trả nợ vốn vay nước ngoài của 2 dự án BT (Quốc lộ 20 và đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn).
Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch giải ngân cả năm, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị các chủ đầu, BQL dự án tập trung triển khai hoàn thiện các thủ tục để tạm ứng hợp đồng toàn bộ các gói thầu thuộc dự án cao tốc giai đoạn 2; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, đặc biệt tại các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu, các vị trí có khối lượng đào lớn cần điều phối sang đắp…
Chủ thầu, BQL dự án phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công. Trong thời gian chờ thủ tục cấp mỏ, đơn vị này chỉ đạo các nhà thầu chủ động mua vật liệu để tổ chức thực hiện, bảo đảm không ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án; đẩy nhanh tiến độ khởi công 20 dự án do Bộ GTVT quản lý để bố trí, giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2023.
Theo ông Lê Quyết Tiến, quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự kiến trong tháng 3, Bộ GTVT sẽ phê duyệt đầu tư 2 dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng với tổng mức đầu tư hơn 66.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, tổng chiều dài hơn 189 km được chia thành 4 dự án thành phần với tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Theo yêu cầu phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng sẽ được thực hiện xong ngày 20/1/2023. Tuy nhiên, dự án này bị chậm phê duyệt đầu tư do tỉnh An Giang chưa phê duyệt dự án thành phần 1 bởi công tác thẩm định phê duyệt của tỉnh kéo dài hơn so với dự kiến.
Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột tổng chiều dài 117,5 km với quy mô 4 làn xe, chia làm 3 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác đồng bộ từ năm 2027.
Đến nay, dự án bị chậm phê duyệt đầu tư do dự án thành phần 2 đi qua khu vực địa hình khó khăn, chủ yếu là đèo dốc, chênh lệch cao độ rất lớn, dự kiến tổng mức đầu tư thiếu khoảng 900 tỷ đồng dẫn đến tổng mức đầu tư của 3 dự án thành phần phải cân đối lại để không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng hiện tại, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương đầu tư 57/63 dự án (có 39 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư; 18 dự án tiến độ phê duyệt đều chậm so với yêu cầu và các chủ đầu tư, BQL dự án đã lập kế hoạch điều chỉnh phê duyệt dự án), còn lại 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ giao chi tiết đợt 1 cho các dự án với tổng số 94.135/94.161 tỷ đồng (đạt 99,97%). Còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan Trung ương chưa thể phân bổ do chưa có kế hoạch trung hạn
Phan Trang