Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhờ tổ chức tiêm chủng thường xuyên, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng được duy trì ở mức cao, khống chế không để dịch bệnh bùng phát. Ảnh: tiemchungmorong.vn. |
Còn vaccine bại liệt tiêm (IPV) sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2017 và vaccine phòng chống tiêu chảy do virus Rota sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2018.
Cục Y tế dự phòng cho biết, việc đưa thêm các vaccine nói trên vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng nhằm mục đích để người dân ngày càng được tiếp cận với nhiều vaccine tiêm chủng, vì chỉ có tiêm vaccine mới bảo đảm phòng bệnh một cách bền vững và có thể loại trừ, hoặc thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vaccine mới vào sử dụng như vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, vaccine phòng bệnh cúm A/H5N1, cùng với gần 30 loại vaccine đã được sử dụng tại Việt Nam dưới hình thức tiêm dịch vụ.
Thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có nguy cơ quay trở lại và bùng phát thành dịch, trong đó có các bệnh truyền nhiễm có vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều chiến dịch tiêm chủng như: Chiến dịch tiêm vaccine viêm não Nhật bản B, uống vaccine phòng bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt chiến dịch tiêm vaccine sởi và rubella cho gần 20 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi và gần đây là đối tượng 16-17 tuổi.
Nhờ tổ chức tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng nói trên, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng được duy trì ở mức cao, khống chế không để dịch bệnh bùng phát, xoá các vùng “lõm” về tiêm chủng.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêm chủng
Quản lý đối tượng và các hoạt động tiêm chủng bằng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu của thời điểm hiện nay và tương lai, chính vì thế, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Thông qua mã số ID, mỗi người khi tiêm chủng sẽ được theo dõi suốt đời, dù là tiêm vaccine gì, ở đâu; tiêm theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, hay tiêm dịch vụ...
Các thông tin về tiêm chủng của trẻ cũng được cung cấp kịp thời tới gia đình, cũng như nhà trường khi các em đi học. Điều này không chỉ giúp cán bộ tiêm chủng nắm được tình hình tiêm chủng của người dân, mà còn giúp người dân chủ động theo dõi lịch tiêm chủng của mình và người thân, từ đó, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đạt hiệu quả cao.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia còn giúp Bộ Y tế quản lý tổng thể, toàn diện công tác tiêm chủng được thuận tiện, chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tiêm chủng.
Phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được triển khai thí điểm tại Bắc Ninh từ tháng 8/2015.
Ngày 26/4 vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm này cho cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã. Những người tham dự lớp này sẽ tập huấn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm của xã, phường.
Như vậy, Hà Nội là địa phương thứ 2 sau Bắc Ninh thí điểm sử dụng phần mềm này, tiếp theo sẽ là TPHCM và Đà Nẵng. Sau đó phần mềm sẽ nhân rộng tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với gần 12.000 điểm tiêm chủng.
Anh Kiên