Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định. Nhập đủ, kịp thời kế hoạch vốn của từng dự án trên Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) đối với số phân bổ chi tiết đủ điều kiện thanh toán theo quy định.
Bộ Tài chính yêu cầu rà soát tỷ lệ giải ngân từng dự án, đặc biệt là các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đánh giá lại tiến độ; kiên quyết điều chuyển số vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao, dự án đã quyết toán hoàn thành, đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn. Quan tâm đến công tác tập huấn về chế độ, chính sách cho các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư; định kỳ tổ chức hội nghị giao ban hoặc có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư và phổ biến, quán triệt những chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Đồng thời, phải tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án ngay từ những tháng đầu năm; kịp thời, chủ động tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án, cụ thể: chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan để giải quyết các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý các vướng mắc vượt thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành.
Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), đảm bảo việc thực hiện thông suốt, kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền, xin ý kiến "không phản đối" của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành; chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc nhà nước nhằm tăng tính chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Đối với cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu: Đẩy mạnh việc thanh toán nhanh qua cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải ngân vốn cho đơn vị thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức "kiểm soát trước, thanh toán sau" theo quy định tại Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Đối với các khoản chi tạm ứng vốn hoặc thực hiện theo hình thức "thanh toán trước, kiểm soát sau" đảm bảo thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước là trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, đối với các khoản còn lại, thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước là 03 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Riêng việc giải ngân hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong 02 năm 2022-2023 theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì trình Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%; là cơ quan thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách. Do vậy, Bộ Tài chính cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường các biện pháp đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2023.
Khánh Linh