Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời gian qua, dư luận phản ánh việc giảm thuế VAT từ 10% về 8% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sau dịch COVID-19 rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, cùng một đơn hàng, DN phải chia thành 2-3 hóa đơn cho mỗi loại hàng hóa được giảm thuế. Quy định này khiến DN phát sinh chi phí.
Ví dụ, có DN làm ngành nghề kinh doanh chính là đại lý ô tô và xe có động cơ khác; bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác thì với dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe, đầu vào các loại vật tư, phụ tùng mua vào chịu các mức thuế suất thuế VAT khác nhau (5%, 8%,10%).
Theo quy định hiện hành, công ty phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Trường hợp công ty không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT thì không được giảm.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) dẫn Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó,"cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT thì không được giảm loại thuế này".
Chiếu theo quy định nêu trên thì cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế thì không được giảm.
Thực tế trên mẫu hóa đơn của DN, chỉ tiêu thuế suất được thiết kế theo dạng cột nên cơ sở kinh doanh có thể lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ có nhiều thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, trong đó có hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế.
Bộ Tài chính cho rằng việc lập hóa đơn riêng là thuận lợi trong việc phân loại, quản lý những hóa đơn của những hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, tuy nhiên làm tăng thời gian của kế toán DN và chi phí sử dụng hóa đơn, nhất là các DN sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày.
Trường hợp nếu DN thấy khó khăn khi tách hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế nên không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế thì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP được gộp vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn (hồ sơ đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo công văn số 3686/BTC-TCT ngày 22/4/2022) theo hướng: "Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỉ lệ % tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
Anh Minh