Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong 3 tháng đầu năm, 6 tỉnh thuộc trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 5 cơ bản có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Cụ thể: Bình Thuận đạt 8,77%; Gia Lai đạt 6,31%; Đồng Nai đạt 10,59%; Bình Dương đạt 11,98%; Bình Phước đạt 10,7%; Tây Ninh đạt 13,6%.
Ước dự kiến khả năng giải ngân 4 tháng của 6 tỉnh này cũng không có nhiều đột phá. Cụ thể: Bình Thuận 12,88%; Gia Lai 11,37%; Đồng Nai 18,43%; Bình Dương 16,79%; Bình Phước 16,36% và Tây Ninh 18,18%.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) thấp được 6 địa phương nêu ra là còn nhiều bất cập trong các cơ chế chính sách, cũng như trong khâu tổ chức thực hiện.
Cụ thể, tỉnh Gia Lai đang vướng ở việc xác định giá đất. Theo tỉnh này, việc xác định giá đất còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều dự án bị ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ảnh hưởng tới việc bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Do đó, địa phương này kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định phương pháp định giá đất bảo đảm khi được ủy quyền.
Tại tỉnh Bình Dương đang triển khai một số dự án mang tính chất liên kết vùng. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công chưa có quy định trình tự thủ tục và thẩm quyền đối với dự án ĐTC trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Trong khi đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép thí điểm chính sách một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động ĐTC của dự án qua các địa phương đối với các dự án được quy định tại Nghị quyết này.
Tuy nhiên, các dự án do tỉnh Bình Dương đang triển khai lại không nằm trong quy định này. Do đó, việc đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn 2 tỉnh từ nguồn vốn ĐTC chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ. Theo đó, tỉnh Bình Dương đề nghị các bộ, cơ quan liên quan sớm hướng dẫn việc đầu tư các dư án trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh ngoài các dự án theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội…
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 3/2024, tại 6 địa phương này vẫn còn nhiều dự án đã được bố trí kế hoạch vốn vẫn chưa giải ngân hay số vốn giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2024). Cụ thể, tỉnh Bình Thuận 5 dự án; tỉnh Gia Lai 17 dự án; tỉnh Đồng Nai 5 dự án; tỉnh Bình Dương 2 dự án; tỉnh Bình Phước 4 dự án; tỉnh Tây Ninh 2 dự án.
Để đạt mục tiêu giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2024 trên 95% theo Công điện số 24/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị lãnh đạo UBND các tỉnh và các sở, ngành liên quan ngoài việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC được Chính phủ quy định, cần thực hiện việc phân bổ chi tiết vốn theo đúng quy định tại Luật NSNN và Luật Đầu tư công.
Trong đó, rà soát thật kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải và theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân. Tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng…
Ngoài việc kiến nghị các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu, Bộ Tài chính còn kiến nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị địa phương tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Chỉ đạo các chủ đầu tư, các hội đồng bồi thường, GPMB khẩn trương kiểm đếm, đền bù… để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện.
Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính kiến nghị ngay khi nhận được kế hoạch vốn được giao (điều chỉnh, bổ sung nếu có) cần gửi ngay đến Kho bạc Nhà nước để có cơ sở kiểm soát, thanh troán theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với quy định về nguyên tắc tạm ứng vốn.
Khánh Linh