Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính vừa có ý kiến phản hồi văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương.
Theo đó, về việc rà soát điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong năm 2022 đã được Bộ Tài chính thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Thông tư số 104/2022/TT-BTC ngày 18/11/2021.
Để có cơ sở rà soát đánh giá các khoản chi phí định mức theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021, Bộ cũng đã có công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, các khoản chi phí kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, đối với chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam: Đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 290 đồng/lít, lần 2 vào ngày 10/7/2022 tăng 60 đồng lên 350 đồng/lít). Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng: Đã được điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 250 đồng/lít; lần 2 vào ngày 7/10/2022 tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít).
Premium trong nước cũng được điều chỉnh 2 lần (lần 1 vào ngày 10/1/2022, theo đó đối với xăng RON92 lên mức 970 đồng/lít; lần 2 vào ngày 7/10/2022 tăng 350 đồng lên 1.320 đồng/lít).
‘Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh chi phí xăng dầu theo thực tế phát sinh và trên cơ sở rà soát số liệu có kiểm chứng tại DN’, Bộ Tài chính khẳng định.
Về việc tạo điều kiện cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước, Bộ Tài chính khẳng định đã tạo điều kiện cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu khi thực hiện thủ tục hải quan đối với các lô hàng xăng dầu xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ theo đề nghị của DN.
Đồng thời chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho DN. Trong thời gian qua, cơ quan hải quan không nhận được bất kỳ phản ánh vướng mắc của DN về việc giải quyết thủ tục cho các DN nhập khẩu xăng dầu.
Bộ Tài chính cũng phản hồi một số kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN đầu mối kinh doanh xăng dầu về thủ tục hải quan.
Cụ thể, đối với Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Bộ Tài chính cho biết: Công ty có phát sinh số tiền thuế quá hạn nộp (số tiền cưỡng chế là 684.420.492.218 đồng) nên Cục Thuế TPHCM đã đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục theo quy định tại khoản 8 Điều 33 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Như vậy, việc dừng làm thủ tục đối với Công ty để đảm bảo tránh nguy cơ thất thu thuế của nhà nước theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế.
Đối với Công ty CP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, theo quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ thì đến ngày 10/8/2022 các DN kinh doanh xăng dầu nhập khẩu phải thực hiện trang bị và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất/nhập/tồn kho với cơ quan hải quan để kiểm soát buôn lậu, trốn thuế, tuy nhiên, sau nhiều lần đôn đốc của cơ quan hải quan, đến nay Tổng kho xăng dầu Nam Sông Hậu vẫn không triển khai việc lắp đặt và kết nối thiết bị nên không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu...
Còn đối với Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà không phát sinh vướng mắc. Nhưng các kiến nghị về việc được sử dụng chứng thư chất lượng do nhà cung cấp đi theo tàu nhập khẩu để xem xét thông quan là không phù hợp với quy định tại Quyết định số 3810/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ vì mặt hàng xăng dầu nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan và cơ quan kiểm tra là Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
‘Như vậy, các vướng mắc của một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu nêu trên là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành, các DN nhập khẩu khác vẫn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và không phát sinh vướng mắc. Do đó, các DN sản xuất, DN đầu mối, phân phối, bán lẻ cần hoạt động thông suốt nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có các văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN); Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
Về những bất cập của thị trường, Bộ Công Thương cho biết, đáng chú ý, tại một số địa phương, Chi cục Hải quan đã ngừng thông quan đối với một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu do chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử, chậm nộp thuế…
Với NHNN, Bộ Công Thương đề nghị 3 vấn đề liên quan chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các DN tăng nguồn lực tài chính...
Anh Minh