• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bộ trưởng Bộ GDĐT: "Đến với vùng khó khăn, tôi được tiếp thêm sức mạnh"

(Chinhphu.vn) - Cùng với những bận rộn khi nhiều quyết định có tính bước ngoặt của ngành Giáo dục từ Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực đến sự kiện Trung ương thông qua Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận còn tâm đắc một điều: Đến với những vùng khó khăn, ông được tiếp thêm sức mạnh.

02/02/2014 10:09
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận
Thưa Bộ trưởng, năm 2013 đánh dấu nhiều mốc quan trọng của ngành Giáo dục, cá nhân Bộ trưởng tâm đắc nhất điều gì?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều tâm đắc nhất đối với tôi trong năm 2013 là Trung ương Đảng đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đề án này kết tinh trí tuệ và tình cảm của toàn Đảng và cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục.

Còn điều gì khiến Bộ trưởng cảm thấy trăn trở nhất?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Khi Trung ương chưa ban hành Nghị quyết thì chúng tôi nỗ lực hoàn thiện Đề án trình Trung ương thảo luận, xem xét. Khi Trung ương ban hành nghị quyết, chúng tôi ngay lập tức phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lo việc tổ chức triển khai Nghị quyết một cách có hiệu quả. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ LĐTBXH và các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW, sớm đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã hoàn thành việc xây dựng đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, đang gửi xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng ấn tượng nhất điều gì sau những chuyến đi thực tế địa phương năm vừa qua?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong những năm qua, tôi đã đến nhiều vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình. Có nhiều chuyến đi với tư cách đoàn công tác của Bộ, và cũng có những chuyến đi “riêng” với trách nhiệm của người đứng đầu ngành để nắm thông tin thực tế trực tiếp từ cơ sở.

Ấn tượng nhất trong năm 2013 có thể kể đến chuyến công tác ở bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) sau khi xảy ra trận lũ quét. Tôi có đến thăm các thầy cô giáo bị thương tại bệnh viện, trong đó có một cô giáo đang mang thai 7 tháng, tưởng như đã thiệt mạng vì bị đá đè nước cuốn. Nhưng cô giáo được bình an, dù chân tay bầm dập và mới đây cô giáo đã sinh được một bé trai nặng 2,7 kg.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các tổ chức khác đã đóng góp (không phải bằng ngân sách Nhà nước) để xây cho các thầy cô giáo ở bản Khoang một nhà công vụ mới.

Tôi nghiệm ra rằng chính mình được tiếp thêm sức mạnh khi đến với đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào ở các vùng đang tạm thời còn nhiều khó khăn, gian khổ.

Nhìn lại năm 2013 vừa qua, đã có quyết định nào mà Bộ trưởng thấy hài lòng nhất, đem lại lợi ích lớn nhất cho học sinh và giáo viên?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Mới đây, sau một thời gian chúng tôi cùng các bộ, ngành khảo sát, phân tích, kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, theo đó, các em học sinh dân tộc thi đỗ đại học được hưởng chế độ như sinh viên cử tuyển, giúp các em có thêm điều kiện thuận lợi để theo học và sau đó trở về phục vụ quê hương.

Một quyết định khác cũng khiến tôi rất mừng là khi Thủ tướng ký ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ bổ sung chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quy định trước đây, giáo viên miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học được hưởng phụ cấp thu hút trong 5 năm, sau thời gian này các thầy cô sẽ được trở về miền xuôi. Trên thực tế có phát sinh vấn đề: Sau 5 năm, nhiều thầy cô ở lại miền núi công tác với nhiều lý do khác nhau như không tìm được chỗ làm việc dưới xuôi; có thầy cô đã lập gia đình, tạo dựng cuộc sống mới và gắn bó với các cháu và đồng bào nên không trở về xuôi… Nhưng dù với lý do gì, phải ở lại hay tự nguyện, thì những thầy cô này bị cắt phụ cấp thu hút sau 5 năm được hưởng. Điều này dẫn đến nghịch lý là người có thâm niên dạy học ở miền núi lại có thu nhập thấp hơn những giáo viên trẻ mới lên vùng núi nhận công tác.

Trong quá trình xây dựng Nghị định mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải giải trình rất nhiều. Tôi đã từng nói: Chúng ta phải có lời xin lỗi đối với các giáo viên ở lại miền núi, khi các thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời công tác của mình cho sự nghiệp giáo dục ở những nơi xa xôi này, trong khi chúng ta không thể bố trí “trả” cho các thầy cô một chỗ dạy ở quê hương dưới xuôi. Với các thầy cô, chúng ta đã không thể tăng thêm thu nhập thì thôi, không nên cắt giảm.

Với Nghị định 19 được ban hành, các giáo viên làm việc ở vùng cao có thêm nguồn thu nhập, nhưng quan trọng hơn là họ nhận được sự ghi nhận và tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, và chắc chắn họ sẽ có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ảnh minh họa

Còn những nhiệm vụ ưu tiên của ngành Giáo dục trong năm 2014?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong thời gian qua, chúng tôi đã thực nghiệm nhiều việc để có cơ sở vững chắc đề xuất với Trung ương. Ví dụ, chuyển đổi phương pháp dạy và học từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp hình thành năng lực, kỹ năng và phẩm chất người học; chuyển từ cách truyền đạt chủ yếu là đọc-chép sang lấy người học làm trung tâm. Việc thực nghiệm không chỉ diễn ra ở một tỉnh, thành phố hoặc ở những địa phương có điều kiện thuận lợi, mà đã triển khai cả ở các tỉnh rất khó khăn, như Lào Cai, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Kiên Giang... Các mẫu triển khai đã khắc phục được hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan và tình trạng quá tải; bước đầu đã thay đổi được phương pháp dạy và học, nâng cao được tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Những việc này sẽ được tiếp tục trong năm 2014.

Trong năm 2014, ba việc ưu tiên lớn nhất của tôi là: Thứ nhất, phải thiết kế cho xong chương trình, trên cơ sở đó biên soạn sách giáo khoa phổ thông; thứ hai, thay đổi đào tạo của các trường sư phạm và thứ ba, tìm mọi cách nâng cao chất lượng của giáo dục đại học, theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên.

Nguyệt Hà (thực hiện)