Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên chất vấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, ngành NN&PTNT là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Lĩnh vực này đã được Quốc hội quan tâm giám sát, chất vấn và ban hành nhiều Nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Với mong muốn tiếp tục có những giải pháp đột phá, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong thời gian tới. Tại kỳ họp này, Quốc hội dành chất vấn đầu tiên đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, điều này thể hiện sự quan trọng và quan tâm của cử tri đối với lĩnh vực này.
Tại Phiên chất vấn, đã có 43 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, có 11 đại biểu tranh luận lại. Có 22 đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa được mời chất vấn, các chất vấn này sẽ được gửi tới Tổng thư ký Quốc hội, Ban Thư ký. Đối với những đại biểu tiếp tục gửi chất vấn bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ trả lời bằng văn bản và gửi trực tiếp cho đại biểu Quốc hội, cho Ủy ban thường vụ Quốc hội để tổng hợp, theo dõi và đăng trên Cổng TTĐT của Quốc hội.
Cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng được giao phụ trách về lĩnh vực kinh tế ngành, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã tham gia trả lời về những nội dung liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trực tiếp trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng cũng đã tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 và một số lần báo cáo, giải trình trước Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Mặc dù thời gian nhận nhiệm vụ chỉ mới 11 tháng nhưng Bộ trưởng đã nắm chắc được tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành; đã trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, nhận trách nhiệm, làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu cũng như đề ra hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới, không khí chung tại Hội trường cho thấy nhiều đại biểu tỏ vẻ hài lòng.
Tuy nhiên, cũng còn có 12 đại biểu tranh luận, cho thấy một số câu trả lời chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, cũng còn một số đại biểu cho rằng, câu trả lời chưa nói rõ được hết các ý mà đại biểu Quốc hội chất vấn; một số nội dung còn chưa rõ giải pháp đột phá và hướng khắc phục thuộc trách nhiệm của Bộ.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua xem xét báo cáo và phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng cho thấy, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự chủ động, tích cực của ngành NN&PTNT, lĩnh vực nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực; một số mặt hàng nông sản đã có giá trị cao và có thương hiệu trên thị trường, chẳng những trong nội địa mà còn trên thế giới; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn từng bước được cải thiện...
Tuy nhiên, ngành, lĩnh vực nông nghiệp vẫn nổi lên nhiều tồn tại, hạn chế đã được nhiều đại biểu phát biểu đề cập, cụ thể như: Quá trình cơ cấu lại diễn ra chậm; tăng trưởng chưa đạt yêu cầu so với Nghị quyết của Quốc hội. Công tác quản lý nhà nước, quy hoạch, kế hoạch, dự báo thị trường còn yếu; các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa đồng bộ, còn bị động.
Vấn đề quản lý đất nông lâm trường, mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã công-nông; vấn đề bảo vệ, phát triển rừng, quản lý bảo vệ nguồn nước. Vấn đề quản lý đầu vào của sản phẩm nông nghiệp, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hiệu quả. Khâu giống được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại; chưa xây dựng được thương hiệu mạnh cho hàng hóa nông sản Việt Nam. Công tác quản lý hàng hóa, nông sản tạm nhập, tái xuất còn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp thấp. Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; liên kết 4 nhà còn chưa hiệu quả cao, chưa có giải pháp đột phá, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông nghiệp.
Thu nhập và đời sống của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro… Công tác quản lý, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản còn nhiều bất cập, trong đó có những hạn chế trong chương trình đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67.
Từ nhận xét và phân tích nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ về lĩnh vực lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Triển khai tốt việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, khắc phục cơ bản những khó khăn của ngành; gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Có giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ rệt về tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế để hỗ trợ liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh khâu chế biến, nhất là chế biến sâu. Làm tốt công tác nghiên cứu bảo tồn, nghiên cứu phát triển giống bản địa; tăng cường bảo vệ, bảo đảm môi trường đất, môi trường nước cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu trong nước và nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để mở rộng thị trường ngoài nước, củng cố, giữ vững thị trường trong nước.
Trong năm 2017, hoàn thành chuyển giao chức năng quản lý phân bón từ Bộ Công thương sang Bộ NN&PTNT; làm tốt công tác quản lý, tổ chức sản xuất vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc ban hành nghị định về quản lý phân bón, quy định về thuốc bảo vệ thực vật.
Phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định và có các biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý vật tư nông nghiệp.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, việc tăng cường công tác điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; rà soát các quy định, chế tài xử lý vi phạm đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm pháp luật; tăng cường phối hợp giữa bộ và các địa phương trong quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản. Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP và có giải pháp khắc phục kịp thời những mặt còn hạn chế trong thời gian vừa qua./.
Nguyễn Hoàng