Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và sự nghiệp y tế nói riêng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết phải quán triệt chủ trương Nghị quyết 26 của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Nghị quyết 19 về đổi mới và xây dựng đơn vị sự nghiệp, Nghị quyết 20 của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, Nghị quyết 115/NQ-CP về quản lý và sử dụng viên chức, Nghị định 106 về xác định vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp.
Các căn cứ nêu cho thấy chúng ta đã có quy định rất rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để bổ nhiệm viên chức quản lý ở các đơn vị sự nghiệp. Từ khung chung của Nghị định 115/NĐ-CP được thể hiện từ Điều 43 đến Điều 46, các bộ chuyên ngành căn cứ vào đó để xây dựng quy định, tiêu chuẩn cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình.
Với ngành y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định cụ thể về chức năng, tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp ngành y tế. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế như lãnh đạo có năng lực chuyên môn nhưng chưa có năng lực về quản trị.
“Dưới góc độ của ngành nội vụ, tiếp thu ý kiến của đại biểu, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này để cán bộ của ngành vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản trị. Đồng thời cũng làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, nhất là theo tinh thần của Nghị quyết 19”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.
Về phân cấp hệ thống y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết cần rà soát, xem xét cụ thể công tác quản lý Nhà nước với hệ thống y tế cấp tỉnh, cấp huyện và giao cho trung tâm y tế, trạm y tế cho cấp huyện quản lý là phù hợp.
Liên quan đến nhân lực y tế còn nhiều khó khăn, có mặt chưa bảo đảm số lượng và chất lượng, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế để soát lại hệ thống cơ chế chính sách hiện có trên cơ sở đó có chủ trương cụ thể, cần thiết thì xây dựng đề án có tính chiến lược đối với nguồn nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Đồng thời, rà soát lại toàn bộ yêu cầu có liên quan đến việc thực hiện tự chủ đối với cơ sở y tế. Những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 19 đã có kết quả bước đầu. Số các đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện tự chủ được đẩy mạnh, tỉ lệ đơn vị sự nghiệp y tế tự chủ khoảng 10%, tự chủ hoàn toàn 6%.
Quá trình tự chủ này xuất hiện vấn đề mà các bộ, ngành tới đây sẽ tiếp tục rà soát và cần thiết phải có đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 19, trong đó có vấn đề tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp để chúng ta có cơ sở, cơ chế, chính sách trong quá trình vận hành. Vì theo Nghị định 20, chúng ta còn thiếu quy hoạch lại các đơn vị sự nghiệp này, thiếu định mức về kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ… Do đó, các bộ, ngành cần phối hợp với nhau để thực hiện. Trong đó, quan tâm tới việc xác định danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu để phục vụ cho tự chủ cũng như đẩy mạnh tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp mới bảo đảm được yêu cầu, nhất là với ngành y tế.
Lê Sơn