Tại buổi họp, bà Phạm Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác xã, Tổ trưởng Tổ Biên tập Ban soạn thảo trình bày dự thảo Luật hợp tác xã sửa đổi đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung:
1. Kết cấu của dự thảo Luật
Thay vì 85 Điều tại dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ hợp thứ 8 Quốc hội khóa XII, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được rút gọn lại với 66 Điều do những nội dung mang tính thủ tục hành chính thuộc chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước được đưa ra để chuyển sang nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật
- Quy định rõ hơn về bản chất và định nghĩa hợp tác xã: Một số quy định được thể hiện lại rõ ràng hơn, tránh hiểu nhầm trong nhận thức và trong quá trình tổ chức thực hiện Luật. Đồng thời, bổ sung thêm một số khái niệm trong phần giải thích từ ngữ nhằm làm rõ và thống nhất cách hiểu các thuật ngữ được nêu trong dự thảo, cũng như góp phần làm rõ hơn bản chất tổ chức hợp tác xã;
- Về giới hạn sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra bên ngoài cộng đồng thành viên: Để hợp tác xã có thời gian thích ứng và chuyển đổi dần sang bản chất hợp tác xã, đồng thời nhằm bảo đảm với mục tiêu hợp tác xã được thành lập là chủ yếu nhằm phục vụ thành viên, không phải phục vụ thị trường đại chúng như doanh nghiệp, công ty và thành viên tham gia hợp tác xã, để được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ chung;
- Về tài sản chung không chia: Nguồn hình thành tài sản không chia trong dự thảo được sửa đổi theo hướng ngoài vốn trợ cấp của Nhà nước, tài sản được cho, tặng phần tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động của hợp tác xã được thu hẹp chỉ còn là phần quỹ đầu tư phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được trích lập từ nguồn thu nhập phát sinh từ giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với thành viên;
- Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã: Được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách quy định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua;
- Về hợp tác xã được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần: Dự thảo Luật lần này không hạn chế việc hợp tác xã được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công, không quy định thành một điều riêng mà đưa vào quyền của hợp tác xã và giao quyền cho điều lệ hợp tác xã quy định;
- Về đối tượng áp dụng: Dự thảo không đưa quỹ tín dụng nhân dân vào đối tượng áp dụng của Luật do theo quy định tại Điều 6 Luật các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống;
- Về phạm vi điều chỉnh: Bổ sung “chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” và “quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” vào phạm vi điều chỉnh của Luật để bảo đảm tính toàn diện của Luật;
- Về tổ chức liên minh hợp tác xã: Chương VII về tổ chức đại diện của hợp tác xã theo hướng có 1 Điều riêng về tổ chức liên minh hợp tác xã, trong đó xác định địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của liên minh hợp tác xã và trợ giúp của Nhà nước đối với liên minh hợp tác xã;
- Về quản lý nhà nước đối với hợp tác xã: Chương VIII về quản lý nhà nước về hợp tác xã quy định “Chính phủ quy định việc thành lập bộ máy cơ quan quản lý nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” và chỉ quy định nội dung quản lý nhà nước đối với hợp tác xã;
- Về nơi đăng ký hợp tác xã: Việc đăng ký hợp tác xã được thuận lợi, đồng thời, công tác quản lý nhà nước về đăng ký hợp tác xã được thực hiện hiệu quả hơn. Vì vậy, Dự thảo Luật theo hướng quy định việc đăng ký hợp tác xã chỉ thực hiện một cấp là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện còn liên hiệp hợp tác xã vẫn đăng ký tại cấp tỉnh.
|
Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |