|
Ông Bert Hofman, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal) |
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Bert Hofman cho biết, nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang bước vào giai đoạn khó khăn, đặc biệt là ở Châu Âu. Những khoản nợ quốc gia có nguy cơ tác động tới ngân hàng thế giới, tuy nhiên, cũng có những căn cứ để có thể tin rằng chưa có khủng hoảng xảy ra trong thời gian tới. Tình hình kinh tế Châu Âu và Mỹ trong thời gian tới chưa có dấu hiệu khả quan vì vậy, các nước Châu Á cần xem xét lại những nhu cầu trong nước và những nhu cầu từ nước ngoài để cân bằng sự phát triển, xem xét tới khả năng nâng cao năng suất, đầu tư vào giáo dục, … để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng. Giai đoạn tới Châu Âu và Mỹ sẽ giảm đầu tư sang các nước đang phát triển nên trong thời gian ngắn nhất, sự tăng trưởng sẽ chậm lại khoảng 7,8% thấp hơn so với năm ngoái là 0,5%. Còn đối với những nền kinh tế có thu nhập cao thì dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2013 khoảng 1,6%. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá rất cao về những dự báo mà ông Bert Hofman đưa ra. Theo Bộ trưởng, kinh tế Việt Nam ngày càng gắn sâu vào nền kinh tế thế giới, nên một điều đặt ra cho Việt Nam là làm sao nắm bắt kịp thời diễn biến của nền kinh tế thế giới. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng sử dụng rất nhiều thông tin từ những ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế thế giới để xây dựng kế hoạch và dự báo cho nền kinh tế Việt Nam. Lần đầu tiên, kế hoạch kinh tế 5 năm xây dựng từ 2009 – 2010 đã được điều chỉnh lại cho sát với thực tế cho đến hôm nay đã trải qua một năm, những điều chỉnh đó theo đánh giá của Bộ trưởng là rất hợp lý. Điều đó cho thấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao những đánh giá kinh tế của nền kinh tế thế giới và vì vậy những buổi làm việc như thế này rất được Bộ Kế hoạch và Đầu tư coi trọng.
Mặt khác, Bộ trưởng còn cho biết hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn nội tại, nợ công Châu Âu tác động tới Việt Nam, nên mục tiêu kiềm chế lạm phát là việc rất quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn này.
Việt Nam đã đến lúc cần đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng chuyển sang chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng làm tiêu chí hàng đầu. Chính cơ cấu kinh tế Việt Nam trong giai đoạn qua là một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế Việt Nam kém phát triển. Các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam trước đây chủ yếu xét về mặt số lượng, chưa tập trung vào chất lượng. Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ phải thay đổi căn bản cấu trúc của nền kinh tế, tập trung vào ba lĩnh vực đó là: Đầu tư (trọng tâm là đầu tư công); Doanh nghiệp (trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước); Thị trường tài chính (trọng tâm là các ngân hàng tài chính, các định chế tài chính khác như bảo hiểm, chứng khoán).
Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực, cụ thể để đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương. Chuyển kế hoạch đầu tư hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn (5 năm). Nhà nước sẽ nhận về những rủi ro để chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp, những gì thuộc thành phần kinh tế tư nhân sẽ dành cho tư nhân làm, nhà nước sẽ tham gia cùng để đảm bảo các dự án có hiệu quả, nên sẽ dùng nhiều hơn các hình thức BOT, BOO, PPP.
Bình quân 5 năm trước, đầu tư công có những lúc lên tới 43%, sang năm 2011 đã giảm xuống còn 34,6%, dự kiến năm 2012 sẽ là khoảng 33%. Tổng chi về đầu tư phát triển trong tổng chi tăng 40%, dự kiến năm 2012 là 19,8%.
Lĩnh vực thứ hai mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề cập tới là vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp thì trọng tâm năm 2012 và những năm tới tập trung tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước vì những tập đoàn này nắm giữ rất lớn nguồn vốn tài sản của nhà nước. Số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh đúng ngành nghề và có hiệu quả chỉ chiếm 1/3. Số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả chiếm 1/3 nên song song với việc tái cơ cấu đầu tư công, Việt Nam tái cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp với những nguyên tắc trong đổi mới đó là: nhà nước cổ phần hóa, cho thuê đa phần các doanh nghiệp. Chỉ xác định giữ lại những doanh nghiệp mà không thể trao cho tư nhân làm như trong quốc phòng an ninh, trong lĩnh vực không có lợi nhuận nhà nước phải làm để đảm bảo cho sự phát triển của xã hội. Trên nguyên tắc những gì có hiệu quả có lãi thì dành cho tư nhân làm. Đặt các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền. Tách bạch chức năng và nhiệm vụ, tiến tới giá cả phải theo cơ chế thị trường không có sự hỗ trợ bao bọc của nhà nước.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal) |
Liên quan tới vấn đề tái cơ cấu tài chính, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung tái cơ cấu lại ngân hàng thương mại, đảm bảo tuân thủ đúng những thông lệ quốc tế, loại bỏ những ngân hàng yếu kém, thao túng trong thị trường tiền tệ. Mục tiêu xây dựng hệ thống ngân hàng mạnh, ổn định, đảm bảo tính thanh khoản cao và minh bạch. Sẽ cấu trúc ngân hàng theo hướng tỷ trọng dịch vụ được nâng cao, cần xây dựng thị trường chứng khoán để chứng khoán là kênh huy động vốn lớn của nền kinh tế. Một điều nghịch lý hiện nay là 80% vốn phát triển doanh nghiệp là vay ở ngân hàng trong khi ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi ngắn hạn lại cho vay dài hạn. Như vậy, để đảm bảo huy động được nguồn tiền thì ngân hàng phải đẩy tỷ suất lên cao từ 17 – 21%, sau đó quay ra cho doanh nghiệp vay với lãi suất cao. Từ đó sinh ra nợ xấu của các ngân hàng hiện nay rất cao, tính thanh khoản thấp.
Trước những chia sẻ của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ông Bert Hofman Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một số nhận định ban đầu. Ông cho rằng, trong kế hoạch đầu tư trung hạn cần có quy trình cuốn chiếu, đó là điều rất quan trọng trong quản lý kinh tế vĩ mô. Về những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thì tập trung vào khai thác nguồn vốn từ tư nhân sử dụng các cơ chế BOT, BOO, PPP, … là đáng khích lệ. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng quá nhiều từ cơ chế PPP trong thời gian ngắn vì đây thực sự là việc làm rất khó khăn, thực tế ở Anh chỉ huy động được từ 25 tới dưới 30%.
Kết thúc buổi tiếp đón, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mong muốn ông Bert Hofman Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới trong nhiệm kỳ của mình sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này./.