Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi làm việc với Lãnh đạo thành phố Hà Nội
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố có 1.254 xe buýt, hoạt động trên 82 tuyến, có năng lực vận chuyển hơn 1,1 triệu lượt hành khách/ngày (420 triệu lượt hành khách/năm). Tuy nhiên, xe buýt vẫn còn hạn chế nhất định và cũng mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong thực trạng hạ tầng phát triển chậm, tiến độ các dự án đường sắt đô thị chưa bảo đảm, vài ba năm tới, xe buýt vẫn giữ vai trò trụ cột trong VTCC. Hà Nội và các cơ quan chức năng đang thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, như vậy, vai trò xe buýt trong thời gian tới còn quan trọng hơn.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò chủ lực trong vận tải hành khách ở thành phố để góp phần giảm ùn tắc giao thông. Khảo sát cho thấy, tỷ lệ chiếm dụng đường của xe buýt trên một số tuyến chính là từ 4% đến 12%, nhưng vận chuyển tới 12%-24% lượng người tham gia giao thông. Ông Thường dẫn chứng, nếu chỉ tính trên 6 trục quan trọng gồm: Nguyễn Văn Cừ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng, không có xe buýt thì sẽ xuất hiện thêm hơn 100 nghìn xe máy trong giờ cao điểm. Kết quả điều tra xã hội học cũng cho thấy, 26% đánh giá dịch vụ tốt, 65% đánh giá bình thường, 8% đánh giá kém, 1% đánh giá quá kém. Đó là những con số đáng mừng, nhưng đáng tiếc, khách đi xe buýt chủ yếu chỉ là học sinh, sinh viên (chiếm 80% tổng số hành khách). Mục tiêu tăng lượng hành khách sử dụng VTCC lên 15% vào năm 2015 không dễ, khi công suất cung ứng khai thác đã đến giới hạn. Trung bình, mỗi ngày một xe buýt của Transerco vận chuyển 1.152 hành khách, hệ số sử dụng ghế là 80% (giờ cao điểm là 140%, có chuyến lên tới 200%), rất cao so với mức 50-55% của Singapore.
Phát biểu tại buổi làm việc sau khi nghe báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, Tổng công ty vận tải Hà Nội và các thành viên dự họp Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan của Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội tiếp thu ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp để tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác khắc phục ùn tắc giao thông theo Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 và Văn bản 1702/TTg-KTN ngày 24/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đã đến lúc cần có hành động, giải pháp mạnh để giải quyết ùn tắc giao thông tại các đô thị. Những giải pháp ít sử dụng kinh phí sẽ được ưu tiên thực hiện trước như điều chỉnh giờ học, giờ làm việc để điều tiết lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm trong ngày. Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ về điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, trường học. Bộ trưởng cũng đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp như cấm xe taxi và hạn chế xe cá nhân lưu thông trên một số tuyến có lưu lượng giao thông lớn hay ùn tắc vào giờ cao điểm; chỉ đạo việc bố trí thêm nhiều cặp đường một chiều trên địa bàn thành phố; dừng việc cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho đăng ký thêm xe taxi trong thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh việc lắp đặt hệ thống cầu vượt nhẹ tại một số nút giao và trục hướng tâm của thành phố; kiên quyết không dùng lòng đường làm nơi kinh doanh điểm đỗ xe và nghiên cứu điều chỉnh giá vé xe buýt cho phù hợp với điều kiện thực tế.
LTH