Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. |
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Có thể nói là các chính sách dân tộc đã thu được những thành tựu rất quan trọng. Vì trước đây tỷ lệ hộ nghèo cao hơn rất nhiều, rơi vào khoảng 70-80%, thậm chí có nơi lên tới 90%. Trong khi đó, chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước còn giới hạn.
Vừa qua, chúng tôi rà soát, đánh giá thì thấy nhiều tỉnh có tỷ lệ thoát nghèo rất ấn tượng, từ 7-8%/năm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa bằng lòng bởi tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc miền núi còn có khoảng cách lớn so với tỷ lệ chung của cả nước.
Đây là vấn đề mà những người làm công tác dân tộc thấy có trách nhiệm và sẽ tiếp tục tham mưu, làm tốt hơn nữa, để có được chính sách đồng bộ, hỗ trợ cho đồng bào nhiều hơn, tích cực hơn.
Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn như vậy. Tuy nhiên, tôi được biết là hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho đồng bào cũng không hề nhỏ. Ví dụ năm 2014, tổng kinh phí NSNN đã phân bổ để thực hiện 8 chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý là trên 5.000 tỷ, năm 2015 là khoảng 6.000 tỷ đồng. Vậy còn những khó khăn gì khiến cho một số chính sách đã hết hiệu lực nhưng vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu đã đề ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Nguồn lực đầu tư vào những chính sách này vẫn còn rất khiêm tốn. Ví dụ như Chương trình 135 quan trọng như thế, nhưng tổng nguồn lực bố trí cho chương trình này mới chỉ đạt 64%.
Tính tổng tất cả chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý thì nguồn lực đầu tư mới đạt hơn 48%; trong đó có nhiều chính sách có tỷ lệ thấp như chính sách nhà ở, đất ở (10%), chính sách cho vay theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ (2,3%).
Rất nhiều chính sách chưa được thực hiện hoàn chỉnh. Nói một cách khác, nhiều chính sách sẽ hết hiệu lực trong năm nay nhưng nhu cầu của người dân còn rất lớn. Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và đang báo cáo với Thủ tướng.
Vậy Bộ trưởng có những dự định, những ý tưởng gì về vấn đề này?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung một hợp phần nữa là nâng cao năng lực của người dân.
Bởi nếu nhận thức của người dân không đầy đủ, không tham gia trực tiếp thì những việc làm, những cố gắng của chúng ta sẽ đạt hiệu quả rất thấp.
Ngoài ra, cần tiến tới giảm thiểu chính sách "cho không", tăng cường chính sách cho vay, bởi "cho không" là chính sách bao cấp, dễ dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Bên cạnh đó, cần tận dụng tất cả nguồn lực từ NSNN, xã hội hóa, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cũng như đóng góp trực tiếp của người dân để thực hiện các kế hoạch này.
Thưa Bộ trưởng, năm 2015 là năm kết thúc một loạt các chính sách dân tộc; vậy Bộ trưởng có thể cho biết tiến độ giải ngân, dự định để tận dụng nguồn lực đó cũng như kế hoạch 2016-2020 sẽ được triển khai như thế nào?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Cần phải nghiên cứu tiếp để đề ra những chính sách dài hơi hơn, nhiều năm hơn bởi thời gian thực hiện các chính sách hiện tại là rất ngắn.
Tới đây, cần có sự quan tâm đặc biệt và có chính sách khuyến khích cho vay tín dụng với vùng đồng bào dân tộc. Cần nghiên cứu để tăng hạn mức cho vay lên, để qua đó người dân có nguồn lực làm giàu, mới có điều kiện để thoát nghèo được.
Chúng tôi rất mừng là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tăng thêm một phần nguồn lực (từ 4.000-6.000 tỷ đồng) để thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi.
Vì vậy, tôi tin rằng năm 2015 sẽ có điều kiện để thực hiện tốt các chính sách. Tuy nhiên, giờ đã là tháng 5 nên vấn đề giải ngân cần phải được giải quyết sớm.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Công Việt