Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban tháng 11/2022. Một trong những vấn đề được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm và nhiều lần đề cập là cơ chế thu hút nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng nhìn nhận, nguồn lực Chính phủ phân bổ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ trong giai đoạn 2021 - 2025 lên đến hơn 300.000 tỷ đồng, song để hoàn thành được quy hoạch đã được phê duyệt vẫn cần nguồn lực xã hội rất lớn.
“Từ các dự án BOT đã triển khai cho thấy, khi làm dự án, phương án tài chính rất ổn, nhà đầu tư rất yên tâm. Tuy nhiên, sau đó lại có thêm các dự án khác được đầu tư bằng vốn ngân sách phân lưu dòng phương tiện, gây hụt doanh thu của dự án BOT.
Chúng ta phải sòng phẳng với nhà đầu tư. Nhữg vướng mắc hiện tại cần được đặt lên bàn cân tính toán, tìm phương án tháo gỡ, tính đúng, tính đủ cho nhà đầu tư.
Trường hợp doanh thu các dự án BOT bị tác động cần được đánh giá kỹ. Tránh tình trạng những vấn đề vướng mắc là quyền nhà đầu tư được hưởng lại phải đi xin”, Bộ trưởng nói.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu ngay từ bây giờ, các đơn vị phải bắt tay vào xây dựng chính sách/đề án thu hút tối đa nguồn lực xã hội thực hiện các dự án của Bộ GTVT theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công. Bộ trưởng cho rằng: Phương thức nhượng quyền sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Nhà nước thu hồi được vốn ngay để tiếp tục đầu tư các dự án giao thông khác. Do đó, cơ chế nhượng quyền phải có sự đột phá và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
"Đột phá thì phải bền vững, ổn định hoặc nếu có thay đổi phải có điều khoản chuyển tiếp”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đánh giá cao kết quả giải ngân Bộ GTVT đã đạt được từ đầu năm (34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% kế hoạch vốn được giao), Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị không được thỏa mãn với kết quả này.
Trong bối cảnh ngành GTVT quản lý nguồn vốn lớn, mỗi đồng giải ngân của Bộ GTVT sẽ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, mục tiêu cuối cùng là phải giải ngân được nhiều nhất có thể.
"Để đạt được mục tiêu này, những dự án lớn như 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) phải phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch.
Riêng với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải rốt ráo hơn nữa công tác chuẩn bị. Tinh thần là khởi công càng nhiều càng tốt, cứ có mặt bằng là phải đẩy nhanh thủ tục khởi công. Khởi công nhanh, giải ngân mới có thể tăng tốc”, Bộ trưởng nói.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian điều hòa kế hoạch vốn đến trước ngày 31/12/2022. Đây là điều kiện thuận lợi để các đơn vị, ban QLDA có thời gian triển khai các phương án để có thể giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Nói về công tác đảm bảo an toàn giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vẫn trăn trở khi những vụ tai nạn giao thông thương tâm vẫn xảy ra. Đau thương nhất là trong 1 ngày, 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 7 người xảy ra tại Phú Yên và Thừa Thiên Huế.
“Tôi rất sốt ruột. Đề nghị các đơn vị liên quan phải lật hết ra những nguyên nhân từ ý thức người tham gia giao thông, chất lượng đào tạo, công tác quản lý như thế nào để từ đó, “bắt bệnh, bốc thuốc, lựa chọn loại thuốc phù hợp”, Bộ trưởng nói.
Xác định bước vào tháng 12, hoạt động vận tải sẽ bắt đầu nhộn nhịp khi cận kề dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Vận tải đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về vận tải, tập trung các giải pháp quyết liệt nhất để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa, hành khách thuận tiện, an toàn.
Bộ trưởng giao Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm soát chặt quy định về lắp đặt, theo dõi, giám sát thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe cũng cần được siết chặt để nâng cao kỹ năng cho người tham gia giao thông. “Tất cả phải hành động vì tính mạng và sự an toàn của nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Phan Trang