Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế "xin-cho"…
Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Luật gồm 07 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 07 điều), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn như sau:
Đối với nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu bao gồm: Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).
Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh được lựa chọn giao một UBND cấp huyện làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Cho phép bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.
Nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTW, các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nâng quy mô vốn đầu tư công: của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.
Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý.
Phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.
Phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn NSTW từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Theo đó, đối với vốn NSTW, các dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C có tổng mức đầu tư dưới 10.000 tỷ đồng thì gia hạn thời gian bố trí vốn không quá 01 năm, nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng không quá 02 năm. Ngoài thời gian trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn NSTW.
Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.
Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:
Cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án; cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cho phép ngoài cơ quan chuyên môn thì thêm Ban Quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; cho phép giao nhiệm vụ và kế hoạch vốn hằng năm cho chủ đầu tư dự án không phải là đơn vị trực thuộc.
Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài) với những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu bao gồm:
Bổ sung quy định về việc cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn NSTW và kế hoạch vốn cho vay lại của ngân sách địa phương được giải ngân theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công, không phụ thuộc vào tỷ lệ cấp phát và cho vay lại.
Đơn giản hóa nội dung liên quan đến đề xuất dự án; bổ sung hoạt động lập đề xuất dự án vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn cho nhiệm vụ lập đề xuất dự án.
Phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn nước ngoài.
Bổ sung quy định về thời gian bố trí kế hoạch vốn của các dự án sử dụng vốn nước ngoài và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài.
Làm rõ quy định cơ quan gửi đề xuất dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi do Công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư.
Bổ sung quy định dừng sử dụng vốn ODA ở từng giai đoạn của chương trình, dự án; đơn giản hóa việc thực hiện dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại.
Chuyển đổi phương thức quản lý từ 'tiền kiểm sang hậu kiểm'
Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm:
Đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; không quy định phải có báo cáo riêng đối với việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Quy định danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là danh mục dự kiến; bổ sung quy định khái niệm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án.
Quy định một số nội dung cụ thể nhằm thống nhất cách hiểu, cách triển khai như: các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản; phạm vi dự án đầu tư công và nhiệm vụ chi thường xuyên; cập nhật đối tượng sử dụng vốn đầu tư công theo quy định tại các Luật Nhà ở, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Hợp tác xã…
Bổ sung quy định trình tự, thủ tục xử lý khi phát sinh yếu tố dẫn đến thay đổi phân loại dự án.
Quy định hạn mức 20% đối với các dự án vắt qua hai kỳ trung hạn (khoản 2 Điều 89 Luật hiện hành) không áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và bổ sung quy định áp dụng theo từng nguồn vốn ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương. Đối với vốn ODA, chỉ áp dụng hạn mức 20% đối với vốn ODA của cả nước.
Trường hợp vượt hạn mức 20% nêu trên thì cấp có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với vốn NSTW, Hội đồng nhân dân các cấp đối với vốn ngân sách địa phương cho phép phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng không vượt quá hạn mức 50%.
Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng liên quan và nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, bảo đảm bám sát chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý sang kiến tạo phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện 03 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.
"Các vấn đề, nội dung chỉnh sửa, bổ sung, bãi bỏ trong dự thảo Luật là các vấn đề đã chín, đã rõ, cấp thiết, cần tháo gỡ ngay nhằm giải phóng nguồn lực đầu tư công để đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược 10 năm 2021-2030 và áp dụng ngay trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc, đa số ý kiến Ủy ban TCNS nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc sửa đổi luật cần xem xét về tổng thể, đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công, nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, vì vậy, nhất trí về phạm vi sửa đổi luật.
Tuy nhiên, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn; đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Đồng thời, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho ý kiến đối với 5 nội dung cụ thể của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Lê Sơn