Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thưa Bộ trưởng, năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công là một điểm sáng, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh nghiệm rút ra từ bài học trong công tác giải ngân đầu tư công của năm qua là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Nhờ sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp,… kế hoạch đầu tư công năm 2023 và thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực.
Số tuyệt đối giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt hơn 626,3 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh những kết quả được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Theo tôi, có một số bài học kinh nghiệm cần rút ra, cụ thể:
Một là, điều hành đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Hai là, nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn vướng mắc phát sinh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Ba là, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Các đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư công phải chủ động rà soát, thông tin kịp thời, chính xác về khó khăn, vướng mắc để các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bốn là, thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách. Duy trì, tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư công.
Và cuối cùng là tăng cường, đẩy mạnh cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, đôn đốc và tăng cường phối hợp; kiểm tra, thanh tra công vụ gắn với đánh giá, xếp loại cuối năm.
Mục tiêu phấn đấu trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo vốn đầu tư công tiếp tục là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Vậy, để thúc đẩy đầu tư công trong năm 2024, cần những giải pháp như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2024, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cần có giải pháp tổng thể. Yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Thực tế cho thấy, trong cùng một thể chế, chính sách pháp luật, có những bộ, ngành và địa phương giải ngân tốt, đó chính là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu.
Trước tiên, giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong thời gian qua (trong đó lưu ý những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi) nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Về phía các bộ, ngành, địa phương, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2024, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2024.
Đồng thời, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Nhân đây, tôi cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát giải ngân vốn đầu tư công của địa phương mình, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công...
Thời gian qua, đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải đã ghi nhiều dấu ấn. Theo ông, việc đầu tư công vào những công trình hạ tầng quan trọng như cao tốc, hàng không… đạt kết quả tốt sẽ đóng góp như như thế nào trong việc phát triển kinh tế, liên kết vùng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có thể nói, điểm sáng trong thời gian qua là chúng ta đã cơ cấu lại đầu tư công, tập trung nguồn lực vào các công trình lớn, dự án giao thông trọng tâm, trọng điểm, nhất là dự án đường cao tốc.
Trong giai đoạn 2016-2020 cũng như khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn lực vốn ngân sách nhà nước tập trung cho ngành giao thông (riêng vốn ngân sách Trung ương bố trí cho ngành giao thông chiếm khoảng 53,4% tổng chi đầu tư ngân sách Trung ương), trong đó riêng Bộ Giao thông vận tải được bố trí vốn ngân sách Trung ương gần 300.000 tỷ đồng, cao nhất trong tất cả các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Năm 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án; đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900 km.
Đồng thời, khởi công 3 cao tốc trục Đông-Tây, 2 đường vành đai, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Đưa vào khai thác cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vĩnh Tuy 2 và nhiều công trình giao thông khác.
Việc hàng trăm km đường cao tốc được hoàn thành đã kéo gần khoảng cách, thời gian, tạo ra tính liên kết vùng miền, địa phương, kết nối giữa các loại hình, phương thức giao thông, vận tải, tạo thuận lợi cho phương tiện giao thông, giảm chi phí logistics, tạo tiền đề tăng trưởng, phát triển kinh tế ở những địa phương, vùng miền mà đường cao tốc đi qua.
Cùng với đó, hệ thống đường giao thông, đặc biệt là cao tốc tạo ra các không gian, hành lang phát triển kinh tế mới, giúp các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, thu hút du lịch, thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Nhìn xa hơn, khi hệ thống cao tốc Bắc-Nam và các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sẽ tạo ra một mạng lưới giao thông, đường cao tốc khép kín, từ đó nâng cao tính liên kết vùng của cả nước.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Minh Ngọc (thực hiện)