Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP
Sáng 13/7, tại TP. Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL.
Thông tin về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, các địa phương đã khẩn trương thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai từ ngày 1/7 đến nay diễn ra bài bản, nghiêm túc, đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng ghi nhận các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy hành chính sau khi sắp xếp, đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp xã. Quá trình tổ chức, phân công cán bộ được thực hiện linh hoạt, thận trọng, bảo đảm không gây gián đoạn trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ nghỉ việc, thôi việc theo quy định; đồng thời tích cực tiếp nhận và thực hiện phân cấp, phân quyền từ Trung ương. Nhiều địa phương như TPHCM, TP. Cần Thơ đã có cách làm sáng tạo trong xử lý thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả tích cực.
“Có thể khẳng định kết quả bước đầu khá thành công, suôn sẻ, không phát sinh những trục trặc lớn trong vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tất cả những điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu, quyết liệt và nỗ lực lớn từ đội ngũ lãnh đạo địa phương nhằm bảo đảm chính quyền địa phương hai cấp vận hành hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trong thời gian ngắn vừa qua.
Áp dụng KPI để đánh giá cán bộ, thay thế ngay người không đáp ứng yêu cầu
Bên cạnh những kết quả bước đầu tích cực, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại cần tiếp tục tập trung khắc phục để bảo đảm mô hình chính quyền địa phương hai cấp hoạt động thực sự hiệu quả.
Trước hết là vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới còn có sự lúng túng ở một số nơi, nhất là trong chuẩn bị đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bộ trưởng lấy ví dụ ở một số tỉnh, thành phố đã chủ động bố trí cán bộ cấp phó của các sở ngành về cơ sở để làm Chủ tịch, Bí thư cấp xã, qua đó vừa nâng cao chất lượng đội ngũ ở cấp cơ sở, vừa cơ cấu lại tổ chức cấp tỉnh. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc điều động, bổ nhiệm cán bộ đôi khi thiếu chủ động, dẫn đến tình trạng số lượng cấp phó ở các sở ngành còn cao.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ hiện đang xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để triển khai toàn quốc. Bộ trưởng đề nghị các địa phương chủ động rà soát, sử dụng KPI để phát hiện sớm và kịp thời thay thế cán bộ không đáp ứng yêu cầu.
“Không đáp ứng yêu cầu thì phải điều chỉnh, thay thể ngay để bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp xã – nơi gánh vác khối lượng công việc rất lớn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Theo thống kê, riêng cấp xã hiện đang phải xử lý hơn 500 thủ tục hành chính và nhiều nhiệm vụ được phân cấp từ cấp huyện, cấp tỉnh. Vì vậy, cần tổng rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phù hợp với khối lượng công việc và yêu cầu thực tiễn.
Vấn đề thứ hai được Bộ trưởng nêu là việc tổ chức thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, cũng như trong nội bộ từng tỉnh. Một số địa phương vẫn còn thiếu chủ động trong tiếp nhận nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Bộ trưởng nhấn mạnh cần bám sát phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", mạnh dạn đề xuất trung ương phân quyền nếu đủ điều kiện.
Thứ ba là những bất cập trong vận hành các trung tâm phục vụ hành chính công, xuất phát từ hạn chế về hạ tầng kỹ thuật. Tình trạng thiếu đồng bộ giữa các địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp xã khiến nhiều nơi gặp khó khăn trong triển khai các hệ thống điện tử, dẫn đến nghẽn mạng, chậm xử lý, thậm chí phải quay lại thao tác thủ công.
“Đây là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay”, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận và cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho rà soát toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ Trung ương đến cấp xã, để xây dựng một trục liên thông đồng bộ, hiệu quả, kết nối thông suốt.
Một tồn tại nữa là đội ngũ cán bộ cấp xã sau sáp nhập còn thiếu rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm, gây lúng túng trong thực hiện công vụ. Dù Bộ Nội vụ đã ban hành “Cẩm nang chính quyền cấp xã” tích hợp các văn bản pháp luật liên quan, song theo Bộ trưởng, vẫn cần tiếp tục tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên sâu để cán bộ hiểu rõ và thực thi công vụ đúng quy định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các cấp cần sớm ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn. Bộ Nội vụ cũng đang phối hợp với nhiều bộ, ngành để hoàn thiện các thông tư hướng dẫn, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức bộ máy mới.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập cấp xã như y tế, giáo dục, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành phải rà soát lại các quy định liên quan để bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương – một trong những luật gốc của hệ thống hành chính. Trong đó, cần dứt khoát giao trách nhiệm tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cho cấp xã nếu đã phân cấp theo luật.
"Đã là đơn vị sự nghiệp cấp xã thì cấp xã có trách nhiệm xem xét, bố trí, tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý theo quy định", Bộ trưởng nói.
Đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách hoặc nghỉ hưu theo nguyện vọng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 178, 167 và 154. Đồng thời, cần có chính sách phù hợp để giữ chân, trọng dụng cán bộ có năng lực, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Bộ Nội vụ đang tập trung hoàn thiện hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và cơ cấu công chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc bố trí nhân sự và phân bổ biên chế.
“Hiện nay, chúng tôi chưa quy định cụ thể về biên chế, vị trí việc làm để tạo điều kiện cho các địa phương vận hành mô hình mới. Sau đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quy mô dân số và vị trí việc làm, Bộ sẽ thực hiện giao biên chế từ năm 2026”, Bộ trưởng thông tin.
Thu Giang