Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Xây dựng ước giải ngân hơn 8.300 tỷ đồng, đạt gần 10% kế hoạch, cơ bản đạt mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước
Báo cáo tình hình giải ngân tại cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản tháng 3/2025 của Bộ Xây dựng chiều nay (1/4), ông Trần Minh Phương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, năm 2025, tổng kế hoạch vốn Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 83.746 tỷ đồng, gồm hơn 81.300 tỷ đồng vốn giao và gần 2.400 tỷ đồng được kéo dài thời gian giải ngân.
Ước tới ngày 31/3/2025, Bộ Xây dựng ước giải ngân hơn 8.300 tỷ đồng, đạt gần 10% kế hoạch, cơ bản đạt mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước.
Theo báo cáo, một số chủ đầu tư giải ngân đạt tỷ lệ cao hơn mức bình quân chung của Bộ và đáp ứng kế hoạch đã đăng ký, gồm: Cục Đường bộ Việt Nam (đạt hơn 10%, vượt 62 tỷ đồng so với cam kết); Ban QLDA Hàng hải (đạt 13%, vượt 3 tỷ đồng); Đại học Xây dựng Miền Tây (đạt 27%); Đại học Kiến trúc Hà Nội (đạt gần 16%); Sở GTVT Ninh Bình (đạt 29,5%).
Một số chủ đầu tư giải ngân cao hơn mức trung bình chung cả Bộ nhưng còn chưa đáp ứng tiến độ đăng ký như: Ban QLDA Mỹ Thuận; Ban QLDA đường Hồ Chí Minh; Ban QLDA 7; Ban QLDA 6. Ngược lại, một số chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp hơn mức bình quân cả Bộ như: Ban QLDA 85; Ban QLDA Thăng Long; Ban QLDA 2; Ban QLDA Đường sắt; Ban QLDA Đường thủy.
Một số chủ đầu tư địa phương được giao vốn lớn, chưa thực hiện đăng ký giải ngân và chưa giải ngân như: Sở GTVT Phú Thọ, Ban QLDA Đắk Lắk, Sở GTVT Hà Tĩnh, Sở GTVT Đà Nẵng, Sở GTVT Cao Bằng; Sở GTVT Quảng Bình; Sở GTVT Yên Bái; Sở GTVT Quảng Trị. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc công tác GPMB, hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Xác định áp lực giải ngân trong thời gian tới còn rất lớn, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính đề nghị các các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ giải ngân, chuẩn xác nhu cầu vốn để bảo đảm hoàn thành các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ chỉ đạo và các dự án khác có tiến độ hoàn thành năm 2025.
Vụ Kế hoạch - Tài chính sẽ rà soát nhu cầu giải ngân năm 2025, tham mưu Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, hoàn thành năm 2025.
Về tình hình đầu tư 21 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với 8 trạm đang triển khai, có 3 trạm đã bàn giao toàn bộ mặt bằng trên các tuyến: Mai Sơn - QL45; Diễn Châu - Bãi Vọt, Vĩnh Hảo - Phan Thiết trạm Km205.
Có 2 trạm mới bàn giao một phần mặt bằng trên các tuyến: Nghi Sơn - Diễn Châu (đã bàn giao 70% diện tích), Phan Thiết - Dầu Giây (đã bàn giao 52% diện tích). 3 trạm chưa bàn giao mặt bằng trên các tuyến: Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Dự kiến, mặt bằng thi công trạm dừng nghỉ trên các tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được bàn giao toàn bộ trước 15/4/2025. Mặt bằng trạm dừng nghỉ của 3 tuyến Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang phấn đấu bàn giao trong tháng 4.
Về các thủ tục liên quan, hiện có 4/8 trạm đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường (Mai Sơn - QL45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết Km205); 4/8 trạm còn lại đang hoàn chỉnh (Diễn Châu - Bãi Vọt; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết Km144; Phan Thiết - Dầu Giây).
Công tác phê duyệt thiết kế đã hoàn thành thẩm định 6/8 trạm, nhà đầu tư đang phê duyệt; 2/8 trạm còn lại chưa thể tiếp cận được mặt bằng để khảo sát (trạm Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km144).
Đối với 9 trạm đã có kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng, tính đến nay, 3 trạm trên các tuyến: QL45 - Nghi Sơn; Vũng Áng - Bùng; Vân Phong - Nha Trang đã có mặt bằng.
6 trạm chưa bàn giao mặt bằng gồm: Hàm Nghi - Vũng Áng; Bùng - Vạn Ninh; Vạn Ninh - Cam Lộ; Cam Lộ - La Sơn; Km15+620 Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Đối với các trạm này, các Ban QLDA: 2, 6, 85, Thăng Long, đường HCM cần làm việc với địa phương quyết liệt trong bàn giao trong tháng 4/2025 và phối hợp nhà đầu tư đẩy nhanh thủ tục về đánh giá tác động môi trường, phê duyệt thiết kế để sớm khởi công.
Riêng 4 trạm phải xử lý tình huống đấu thầu còn lại, trạm trên tuyến Cần Thơ - Hậu Giang đang được chủ đầu tư triển khai thủ tục ngay đấu thầu lại, dự kiến đấu thầu, ký hợp đồng trong tháng 5/2025.
Với 3 trạm trên các tuyến: Quy Nhơn - Chí Thạnh, Hậu Giang - Cà Mau, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đang đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục đầu tư, sớm đấu thầu, ký hợp đồng.
Phan Trang