Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ Y tế, trong tháng 3/2023, cả nước ghi nhận ghi nhận 384 ca mắc COVID-19 (giảm 8,6% so với tháng 2), tuy nhiên hiện số ca mắc có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Cụ thể, trong 7 ngày qua (từ ngày 6/4 đến ngày 12/4), cả nước ghi nhận 849 ca mắc mới, trung bình có 120 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó, nhóm tuổi từ 50 trở lên ghi nhận 262 ca (chiếm 30,9% số ca mắc mới). Riêng ngày 13/4, ghi nhận gần 500 ca mắc mới.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết dịch COVID-19 hiện nay vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thời gian gần đây, ca mắc COVID-19 ở nước ta có dấu hiệu tăng, tỉ lệ chuyển nặng tăng hơn so với tháng trước 5 ca, tuy nhiên không có ca tử vong. Thứ trưởng đề nghị các địa phương nâng cao cảnh giác để có biện pháp đáp ứng kịp thời với COVID-19, đồng thời tập trung phòng chống các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm.
Đối với vấn đề mua và xin tài trợ vaccine COVID-19 cũng như các vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng, Thứ trưởng khẳng định đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế sẽ căn cứ vào nhu cầu đề xuất của từng địa phương, tức là đề xuất bao nhiêu, địa phương sẽ nhận đúng như vậy. Thực tế, có những thời điểm, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế đưa vaccine COVID-19 về tận cơ sở nhưng không có người nhận.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp ở nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thì cần cố gắng triển khai tiêm để đạt tỉ lệ đề ra.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế cho biết cả nước đã ghi nhận 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 3 ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao gồm TPHCM, Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hoà.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta gia tăng thời gian qua là do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hoá; tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, thiếu quyết liệt trong phòng chống dịch tại một số nơi, một số thời điểm; sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất quán.
Trong khi đó, việc hướng dẫn, thể chế hoá, các chủ trương, chính sách thiếu cụ thể, rõ ràng, dẫn đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; hạn chế đầu tư, huy động nguồn lực xã hội dẫn đến hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân; tỉ lệ tiêm chủng một số nơi còn thấp…
Thời gian tới, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi được Bộ Y tế nhận định sẽ tiếp tục xuất hiện và lây lan vì nguy cơ xâm nhập của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn; một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc do tỉ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2023, đề nghị các địa phương nhanh chóng xây dựng, tham mưu, trình UBND cấp tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch COVID-19, để sớm phê duyệt kinh phí phòng chống dịch.
Các địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch; phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế trong giám sát, phòng chống, chẩn đoán điều trị bệnh truyền nhiễm.
Đánh giá cao mô hình, cách làm của TPHCM trong phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết thông qua việc giao chỉ tiêu về từng quận, huyện để tránh tình trạng chỉ riêng ngành y tế triển khai phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần nghiên cứu cách làm hiệu quả trong việc phòng chống dịch trên địa bàn.
Hiền Minh