Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cụ thể, đối với vaccine có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vaccine), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng.
Đến nay, Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể (dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023) và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine để tiếp nhận vaccine và thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương.
Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của Luật đấu thầu.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong quá trình chờ hoàn tất các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế cũng đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế, trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Cuối tháng 8/2023, được sự viện trợ, tài trợ từ tổ chức WHO, UNICEF và các tổ chức khác, Bộ Y tế đã tiếp nhận 258.000 liều vaccine 5 trong 1. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ số vaccine này và đã hướng dẫn địa phương thực hiện tiêm vaccine cho trẻ trong tiêm chủng mở rộng trong tháng 9-10/2023.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Chính phủ Úc sẽ viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1 dự kiến vaccine sẽ về Việt Nam trong tháng 12/2023.
Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc lập kế hoạch cung ứng vaccine trong năm 2024, kịp thời đảm bảo nguồn cung vaccine; chỉ đạo các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và triển khai các biện pháp về tiêm chủng vaccine cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm, để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian qua, là do năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên các địa phương đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước yêu cầu thực tiễn và thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội về việc tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia quốc gia đảm bảo thống nhất, hiệu quả trong cả nước, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine.
"Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan, đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ và được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Số loại vaccine trong Chương trình tăng dần theo thời gian, từ 6 vaccine thiết yếu năm 1985 tới nay đã có hơn 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được cung cấp miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai triển khai trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.
Hiền Minh