Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Việt Nam vô địch AFF Cup 2008- Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao cúp vô địch cho Phan Văn Tài Em. |
1. Sau hơn 10 năm lên chuyên, bước vào mùa giải 2012, bóng đá Việt "rẽ ngang" bằng việc ra đời của VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) - tổ chức thay cho VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) để quản lý, tổ chức và điều hành các giải đấu trong nước.
Sự kỳ vọng vào VPF là điều có thể hiểu, bởi "ngã rẽ" này được xem như bước đi mang tính tất yếu của bóng đá thời lên chuyên và cũng hoàn toàn phù hợp với tiến trình xã hội hoá thể thao bằng sự tham gia sâu hơn, toàn diện hơn từ nhiều thành phần, nguồn lực khác trong xã hội. Hơn thế, với lộ trình chuyên nghiệp hoá đang trở nên bế tắc và thất bại của đội tuyển U23 nam tại SEA Games 26 càng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi với bóng đá nước nhà.
Mang cái tên mới - Super League (Ngoại hạng), giải bóng đá VĐQG mùa này theo nhận định của chính dân trong nghề là căng hơn so với các mùa trước khi quy tụ được tất cả các đội bóng mạnh nhất cùng các quy định, tiêu chuẩn mới chặt chẽ hơn từ tài chính đến lực lượng chuyên môn tham dự.
Thực tế của 3 vòng đấu đầu tiên tại Super League đã chứng minh cho nhận định đó khi 14/14 đội bóng đều có điểm số với những khoảng cách khá sít sao. Nhiều trận đấu diễn ra quyết liệt, hấp dẫn và kịch tính với chất lượng chuyên môn khá cao như: SLNA - Hà Nội T&T 2-2; V. Hải Phòng - TĐCS. Đồng Tháp 1-1; SHB Đà Nẵng - HA.GL 4-1....
Tuy nhiên, điểm nóng thực sự của Super League 2012 không nằm trên sân cỏ mà lại xuất phát từ cuộc tranh chấp về bản quyền truyền hình làm ảnh hưởng lớn đến nhu cầu của người hâm mộ cũng như hình ảnh của bóng đá chuyên nghiệp.
Và tới ngày 12/1/2012, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình về giải bóng đá quốc gia đang được tiến hành và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các trận đấu trong khuôn khổ giải bóng đá quốc gia đã được các đài truyền hình trực tiếp rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Rõ ràng, để Super League 2012 thành công, từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần là chuyện chuyên môn mà đòi hỏi quan trọng nhất chính là sự hợp tác giữa tất cả các bên có liên quan trên cơ sở của luật pháp, tôn trọng lẫn nhau và đặt lợi ích của người hâm mộ nước nhà lên cao nhất. Chỉ có như thế, bóng đá Việt Nam mới thực sự phát triển từ chân đế để kỳ vọng tìm lại vị thế của mình trên đấu trường quốc tế.
![]() |
2. Cuộc hành trình mang tên Super League vẫn còn ở phía trước, nhưng trong năm con Rồng này, bóng đá Việt Nam còn cuộc hành trình khác không kém phần quan trọng, đó là - AFF Cup 2012, giải đấu mà hàng triệu trái tim hâm mộ đang đặt nhiều kỳ vọng.
Theo kế hoạch dự kiến, ngay sau khi giải bóng đá quốc gia kết thúc (tháng 8), đội tuyển nam quốc gia sẽ được tập trung trong vòng khoảng 100 ngày để tham dự vòng loại giải vô địch châu Á - ASIAN Cup 2015, cùng 2 giải giao hữu quốc tế khác là Cúp TP.HCM và VFF Cup. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là AFF Cup diễn ra vào cuối năm, giải đấu mà tuyển Việt Nam từng vô địch năm 2008, rồi dừng ở bán kết 2 năm sau đó.
Còn quá sớm để nói về chỉ tiêu cũng như dự báo về hành trình của tuyển Việt Nam tại giải đấu hàng đầu khu vực, thế nhưng, sau thất bại của đội U23 tại SEA Games 26 và chiếc ghế "thuyền trưởng" đang bị bỏ trống sau khi ông thày ngoại Falko Goetz đã ra đi, thì quỹ thời gian cũng chẳng hề nhiều nếu nhìn vào khối công việc khổng lồ với những câu hỏi lớn.
Câu hỏi đầu tiên chính là chiếc ghế HLV trưởng. Falko Goetz trở thành vị HLV nước ngoài thứ 8 của bóng đá nam phải ra đi khi cùng chung nguyên nhân - không thành công tại các giải đấu quốc tế. Vấn đề lúc này là bóng đá Việt sẽ tiếp tục sử dụng nguồn lực ngoại này, hay sẽ trở về với nội lực cùng các HLV trong nước? Và nếu là thày nội, thì sẽ là ai và cơ chế nào để tận dụng được nguồn lực vốn đã bị bỏ quên khá lâu này.
Ngay cả khi vị trí "thuyền trưởng" được xác định, thì cũng không thể phủ nhận thực tế là bóng đá Việt Nam đang thiếu hụt đáng kể về lực lượng đỉnh cao và trình độ có xu hướng tụt lại so với mặt bằng khu vực mà để có thể đạt được thành tích tốt, bên cạnh sự nỗ lực, phải là sự chuẩn bị tốt nhất cả về con người, lẫn chuyên môn.
Thay cho lời kết
Mô hình phát triển chung cho nền bóng đá giống như chiếc kim tự tháp mà mặt đáy là giải VĐQG, còn đỉnh chóp chính là đội tuyển, thì Super League và AFF Cup 2012, tuy là 2 sân chơi khác nhau, nhưng lại có mối liên quan mật thiết. 1 giải VĐQG phát triển sẽ tạo ra 1 đội tuyển mạnh và ngược lại. Bởi vậy mới nói đây là 2 điểm nóng sẽ quyết định sự thành bại của bóng đá Việt Nam trong năm Nhâm Thìn 2012.
Hoàng Hà