Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quyết định liên quan mới nhất là ngày 22/3, chính quyền Hongkong (Trung Quốc) đã tạm ngưng nhập khẩu thịt từ Brazil. Lệnh cấm không chỉ nhắm vào thị bò mà cả vào thịt gia cầm của Brazil.
Cùng ngày, Nhật Bản cũng đình chỉ vô thời hạn việc nhập khẩu thịt gia cầm và các sản phẩm thịt khác từ 21 nhà máy chế biến thịt của Brazil đang trong diện bị điều tra. Trước đó, Mexico, Trung Quốc, EU, Nga… cũng tạm ngừng việc nhập khẩu thịt từ Brazil và yêu cầu Brazil tiến hành điều tra toàn diện, công khai, minh bạch về vụ việc tai tiếng này.
Theo số liệu từ Bộ Ngoại thương Brazil, tính đến ngày 21/3, ngành xuất khẩu thịt của Brazil chỉ xuất khẩu được lượng sản phẩm trị giá 74.000 USD/ngày, giảm "chóng mặt" so với con số 63 triệu USD/ngày thời điểm trước khi bùng nổ vụ bê bối.
Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi đánh giá vụ việc có thể khiến Brazil mất đi khoảng 10% thị phần tại thị trường quốc tế và nếu giới lập pháp không sớm có hành động khắc phục hậu quả, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh có thể sẽ phải mất tới 5 năm để khôi phục lại vị thế của mình.
Nhằm cứu vãn nguy cơ thiệt hại lớn của ngành xuất khẩu thịt, ngày 22/3, Chính phủ Brazil đã gửi một bức thư tới Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đề nghị WTO can thiệp nhằm ngăn cản việc các nước cấm nhập khẩu thịt của Brazil.
Giới chức Brazil khẳng định vụ bê bối chỉ liên quan tới một số trường hợp mà không đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp thực phẩm bảo đảm chất lượng của Brazil vì họ có hệ thống kiểm định chất lượng từ lâu đã được công nhận là "nghiêm ngặt và đáng tin cậy".
Văn Ba