Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho biết như vậy khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế có hiệu lực từ ngày 15/7/2022.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, với 8 chương và 76 điều, so với Nghị định 82 ban hành năm 2018 thì Nghị định 35 đã quy định và xử lý trên 200 vấn đề liên quan đến khu chế xuất, các loại hình khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các loại hình khu kinh tế, đáp ứng được nhiều kỳ vọng của doanh nhân doanh nghiệp trong đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.
"Tôi cho rằng, Nghị định 35 chưa thể đáp ứng hoàn hảo nhưng đã có giải pháp cho nhiều vấn đề mấu chốt, mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng và có một số chủ trương tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và đầu tư", ông Bé nhìn nhận.
Ví như các khu công nghiệp và khu kinh tế phải giành ít nhất 5ha hoặc 3% diện tích đất công nghiệp cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Điểm này rất quan trọng, giúp các doanh nghiệp này sẽ có điều kiện phát triển ổn định, tạo khả năng liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp lớn khác trong khu, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển nền kinh tế cả nước.
Hay giao quyền cho Ban quản lý các Khu về cấp DTM cho doanh nghiệp trong khu, vấn đề xác nhận xuất xứ hàng hoá, điều chỉnh cục bộ các phân khu về quy hoạch đã phê duyệt…
Theo Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, quy hoạch phát triển khu công nghiệp không còn phụ thuộc vào quy hoạch các khu công nghiệp quốc gia nữa. Thay vào đó, quy hoạch phát triển khu công nghiệp được tích hợp vào quy hoạch vùng, thể hiện dưới dạng phương hướng xây dựng khu công nghiệp; còn quy hoạch cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ duyệt thể hiện dưới dạng phương hướng phát triển khu công nghiệp. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch chưa nêu rõ thế nào là phương hướng xây dựng, phương hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.
Do đó, Nghị định 35 đã bãi bỏ quy hoạch phát triển khu công nghiệp được quy định tại Nghị định 82, đồng thời quy định cụ thể khái niệm, nội dung của phương hướng xây dựng, phương hướng phát triển khu công nghiệp. Theo đó, phương hướng phát triển khu công nghiệp thể hiện dưới hình thức danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh.
Năm 2018, Nghị định 82 quy định điều kiện về tỷ lệ lấp đầy 60% khi xem xét chủ trương đầu tư bổ sung khu công nghiệp mới, khu công nghiệp mở rộng vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp đã tạo ra những hạn chế trong bối cảnh làn sóng nhu cầu đầu tư phát triển khu công nghiệp ngày càng cao, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Trong khi đó, Nghị định 35 đã áp dụng linh loạt quy định về tỷ lệ lắp đầy 60% này. Theo đó, những trường hợp: đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã thành lập trước đó nhưng bị chấm dứt hoạt động, địa điểm khu công nghiệp tại địa bàn thuộc danh mục ưu đãi đầu tư, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghệ cao...
Điều này được các địa phương, giới đầu tư khu công nghiệp đánh giá sẽ có tác động thúc đẩy cơ hội đầu tư khu công nghiệp để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư FDI trên thế giới hiện nay; thúc đẩy mở rộng các khu công nghiệp tại các địa phương thuộc vùng kinh tế - xã hội khó khăn, tạo cơ hội phát triển cho các vùng này.
Không chỉ vậy, nó còn thúc đẩy phát triển các mô hình khu công nghiệp mới, mang tính bền vững, chuyên sâu, phù hợp với xu hướng thế giới và định hướng phát triển kinh tế xã hội đã đề ra tại Nghị quyết 99 về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, nghị định còn bổ sung các loại hình khu công nghiệp mới, như khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao… Quy định mới này giúp các cơ quan Nhà nước có thêm công cụ để quản lý các mô hình khu công nghiệp mới, có lợi trực tiếp cho doanh nghiệp hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp vì sẽ có nhiều sự lựa chọn, nâng cao hiệu quả đầu tư.
So với nghị định trước đó, nghị định mới đã bổ sung quy định khi lập danh mục các khu công nghiệp phải dành ít nhất 2% tổng diện tích đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Đồng thời bổ sung nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động.
Một trong những điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng. Tương tự, điều kiện xem xét mở rộng khu công nghiệp là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc.
Điều này là rất quan trọng vì góp phần hoàn thiện cơ chế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay, được kỳ vọng giúp tăng số lượng nhà ở công nhân, chăm lo được nhà ở cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, những người đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM cho biết, TPHCM là địa phương đi đầu trong phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tháng 10/1991, khi quy chế khu chế xuất được ban hành, chỉ ngay sau đó một tháng, Khu Chế xuất Tân Thuận được thành lập, trở thành khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Tiếp đó, Khu Chế xuất Linh Trung được thành lập năm 1992. Đến nay thành phố đã có 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao.
Nhìn nhận tác động tích cực của Nghị định 35 đối với sử phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bé cũng cho rằng, Nghị định chưa thể là "Cây đũa thần" giải quyết hoàn hảo mọi việc. Để trở thành hiện thực, chính quyền các cấp, các Ban quản lý các khu công nghiệp phải có quyết tâm, mạnh dạn triển khai, nhất là khâu phân cấp, phân quyền và ủy quyền.
Về lâu dài, cần phải tiến tới xây dựng Luật về quản lý khu công nghiệp khu kinh tế. Luật là cơ sở pháp lý bền vững ổn định cho hơn 400 khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, cửa khẩu của cả nước với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 200 tỷ USD, với hơn 4 triệu công nhân lao động của hàng hàng chục nghìn nhà máy đang hoạt động.
Với TPHCM, sau 30 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, đến nay nhiều khu đã có tuổi thọ 20 năm, 25 năm và 30 năm. Do vậy, kiến nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thêm, nhất là các khu đang "lột xác" phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, vấn đề mặt bằng để tiếp tục thu hút đầu tư cũng đang là trở ngại với thành phố, mặc dù hiện mới chỉ mới lấp đầy khoảng 2.700ha trên 7.000ha đã quy hoạch đất công nghiệp trên địa bàn nhưng chưa được giao.
"Về tổng quan, có thể nói Nghị định 35 của Chính phủ như "trận mưa rào qua bao năm hạn hán", nó là bước đột phá về cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ các nút thắt, các bất cập, chồng chéo lâu nay trong quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế", ông Nguyễn Văn Bé bày tỏ quan điểm và tin tưởng Nghị định chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực đối với hàng trăm khu công nghiệp và khu kinh tế trên cả nước, tạo sức hút mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Mạnh Hùng