Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thưa Thứ trưởng, trước yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì việc ban hành và tổ chức triển khai Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ việc thể chế được hoàn thiện, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo… Thông qua PBGDPL, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL thời gian qua cũng còn những hạn chế, bất cập như một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác PBGDPL; hoạt động PBGDPL ở một số bộ, ngành, địa phương còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; ý thức tự giác chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao và chưa đồng đều, chưa hình thành văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội.
Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" có ý nghĩa quan trọng, là giải pháp toàn diện, đột phá, thực hiện mục tiêu "đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm".
Đề án ban hành nhằm thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong công tác PBGDPL và vận động, phát huy sự chủ động, tích cực của nhân dân trong tìm hiểu, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành, tuân theo, sử dụng pháp luật trong cuộc sống, học tập và sản xuất, kinh doanh, từng bước hình thành văn hoá thượng tôn pháp luật trong xã hội. Đề án được phê duyệt vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế - một trong ba đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định.
Vậy nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nào của Đề án được coi là "căn cốt" nhất nhằm tạo đột phá cho đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Đề án có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sẽ được tổ chức triển khai từ năm 2023 đến năm 2030. Các nhiệm vụ và giải pháp này được thực hiện đồng bộ dựa trên cơ sở phát huy trách nhiệm, sự vào cuộc, tham gia của 3 nhóm chủ thể chính là Nhà nước (các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các tổ chức đoàn thể có liên quan (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp) và người dân, trong đó chú trọng các nhóm đặc thù, trẻ em, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo Đề án, các nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật và đầu tư, hỗ trợ nguồn lực, công nghệ thông tin bảo đảm cho các hoạt động phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân của các cơ quan, tổ chức.
Trong đó, tôi cho rằng một trong những nhiệm vụ và giải pháp căn cơ của Đề án là việc rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là thể chế về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp.
Do đó, cần triển khai ngay việc rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế về các lĩnh vực này theo hướng Nhà nước tạo dựng các điều kiện cần thiết để người dân chủ động tìm hiểu, sử dụng pháp luật được thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các nhiệm vụ nhằm bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nữa đó là việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của Nhân dân, nhất là các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bởi đây là các đối tượng còn hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật. Trọng tâm của giải pháp là kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng; nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý...
Thưa Thứ trưởng, Bộ Tư pháp dự kiến các nhiệm vụ và hoạt động như thế nào để triển khai Đề án theo trách nhiệm được giao?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án để xác cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Đồng thời, với vai trò của Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Hội đồng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội… triển khai các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với chức năng của mình, bảo đảm Đề án sớm được thực tiễn hoá thông qua hoạt động cụ thể của các bộ, ban, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan, kể cả người dân và xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Lê Sơn (thực hiện)