• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bước tiến lớn trong quy trình khởi sự kinh doanh

(Chinhphu.vn) – Với Nghị định vừa được Chính phủ thông qua, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống còn 3 thủ tục với 6 ngày. Điều này sẽ giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.

23/10/2020 09:29

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2020/NĐ-CP về liên thông các thủ tục về khởi sự kinh doanh.

Nghị định122/2020/NĐ-CP quy định tích hợp 3 quy trình gồm: đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư),  thời gian qua, mặc dù chúng ta đã có những cải cách nhằm nâng cao Chỉ số khởi sự kinh doanh, những vẫn còn những bất cập, vướng mắc dẫn đến kết quả xếp hạng về chỉ số Khởi sự kinh doanh còn thấp. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2020 của Ngân hàng Thế giới, thì Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, đứng thứ 6 ASEAN với 8 thủ tục, thực hiện trong 16 ngày.

Nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước vẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin trùng lặp hoặc không cần thiết, tạo gánh nặng về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; một số thủ tục trong quy trình gia nhập thị trường còn chưa hợp lý, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin, liên thông thủ tục giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Bên cạnh đó, tốc độ cải cách của nước ta còn chậm so với các nước trên thế giới.

Trước tình trạng này, Chính phủ đã liên tiếp có ý kiến chỉ đạo tại các Nghị quyết của Chính phủ, trong đó Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 đã nêu rõ, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, với mục tiêu thứ hạng trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN, nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh lên 10-15 bậc.

Trên cơ sở đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi các quy định có liên quan đến khởi sự kinh doanh để thực hiện liên thông, cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong thành lập doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị; khai trình việc sử dụng lao động; sử dụng hóa đơn tự in, đặt in theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các quy định trong Nghị định là những phương án cải cách nhằm khắc phục những hạn chế của quy định pháp lý hiện hành.

Cũng theo ông Bùi Anh Tuấn, Nghị định được xây dựng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện liên thông, cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong thành lập doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị; khai trình việc sử dụng lao động; sử dụng hóa đơn.

Nghị định được xây dựng với các mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc.

Thứ hai, quy định tại Dự thảo Nghị  định vẫn phải đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành. Các quy định được xây dựng nhằm tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, nhưng công tác quản lý nhà nước vẫn cần được đảm bảo.

Thứ ba, cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thông qua việc giảm bớt số lượng thủ tục, hồ sơ, chi phí, thời gian thực hiện thủ tục gia nhập thị trường tại nước ta.

Quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam sau khi Nghị định mới có hiệu lực

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TT

Thủ tục

Thời gian (ngày)

1

Đăng ký doanh nghiệp khai trình việc sử dụng lao động đăng ký bảo hiểm đăng ký sử dụng hóa đơn tự in, đặt in

Cơ quan thực hiện: Phòng đăng ký kinh doanh, sở kế hoạch và đầu tư

3

2

Mở tài khoản ngân hàng

Cơ quan thực hiện: Ngân hàng

1

3

Phát hành hóa đơn/Mua hóa đơn

Cơ quan: Cục thuế

2

TỔNG

06 ngày

4 thủ tục, 1 bộ hồ sơ

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Nghị định quy định tích hợp 3 quy trình gồm: đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, kê khai 01 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 01 cơ quan và nhận 01 kết quả thống nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử.

Về những tác động dự kiến của Nghị định, ông Bùi Anh Tuấn cho hay, về phía doanh nghiệp, các quy định tại Nghị định giúp giảm bớt thủ tục hành chính cần thực hiện. Cụ thể, thay vì thực hiện 04 thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in một cách riêng lẻ tại 04 cơ quan khác nhau, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 01 thủ tục duy nhất tại 01 cơ quan đầu mối là cơ quan đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc tích hợp các thông tin về tổng số lao động (dự kiến) tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, phương thức nộp bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in vào quy trình đăng ký doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm đáng kể khối lượng thông tin, biểu mẫu phải kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Việc liên thông, trao đổi thông tin qua mạng điện tử giữa cơ quan quản lý nhà nước cũng làm giảm số lượng đầu mối cơ quan nhà nước tiếp nhận và trả kết quả: doanh nghiệp sẽ chỉ cần nộp hồ sơ kê khai các thông tin tại cơ quan đăng ký kinh doanh, thay vì nộp hồ sơ tại 04 cơ quan như hiện nay (cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế).

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các giải pháp được đưa ra tại Nghị định không bãi bỏ các thủ tục, thông tin cần thiết cho việc quản lý nhà nước của từng ngành mà chỉ lược bỏ những thông tin bị trùng lặp và tập trung tích hợp các thủ tục có sự tương đồng với nhau giữa các ngành, vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thông qua việc tích hợp, liên thông, xây dựng cơ chế một cửa, chia sẻ thông tin qua mạng điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước có thể giảm bớt các chi phí về thời gian, nhân lực tiếp nhận, xử lý hồ sơ.

Ngoài ra, Nghị định cũng tạo cơ chế để các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo sự minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Rút ngắn tối đa thời gian gia nhập thị trường

Theo đánh giá tại Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam bao gồm 08 thủ tục, với tổng thời gian thực hiện là 16 ngày. Trong đó, số ngày thực hiện 04 thủ tục đăng ký doanh nghiệp: khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm, đề nghị tự in hóa đơn và mua hóa đơn chiếm 13 ngày.

Việc tích hợp 04 thủ tục nêu trên có thể rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp, cụ thể là: (1) Thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp; (2a) Sử dụng hóa đơn tự in, đặt in; (3) Khai trình việc sử dụng lao động; (4) Đăng ký mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được thực hiện trong thời hạn 03 ngày (đúng thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp), thay vì 13 ngày như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc đề nghị mua hóa đơn của doanh nghiệp (2b) vẫn được thực hiện tại cơ quan thuế trong thời hạn 02 ngày (theo quy định tại Thông tư số 37/2017/TT-BTC).

Ngoài ra, ngày 24/02/2020, Chính phủ  đã ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài. Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 1, Nghị  định số 22/2020/NĐ-CP, thì doanh nghiệp mới thành lập sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc bắt đầu sản xuất kinh doanh. Như vậy, sau khi Nghị định số 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (từ ngày 25/02/2020), việc nộp lệ phí môn bài không còn thuộc quy trình khởi sự kinh doanh.

Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo đó đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu con dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Do vậy, từ thời điểm Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực thi hành (01/01/2021), thủ tục thông báo mẫu con dấu cũng không còn trong quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam.

"Như vậy, sau khi Nghị định được Chính phủ thông qua, ban hành và có hiệu lực, thì quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống còn 3 thủ tục với 6 ngày. Điều này sẽ giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam", ông Bùi Anh Tuấn nhận định. 

Thu Hà