Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sau hợp nhất, tỉnh Cà Mau mới có diện tích tự nhiên là 7.942,38 km2 (đạt 158,85% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 2.606.672 người (đạt 186,19% so với tiêu chuẩn) và 64 ĐVHC trực thuộc - Ảnh: VGP/LS
Căn cứ Quyết định số 01-QĐ/BCĐ ngày 17/4/2025 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau (Ban Chỉ đạo) về thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau (Tổ công tác), Tổ công tác đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, trình Ban Chỉ đạo.
Về hiện trạng khi chưa sắp xếp, tỉnh Bạc Liêu có diện tích tự nhiên là 2.667,88 km2, dân số khoảng 1.066.053 người. Về mặt hành chính, tỉnh Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện trực thuộc, bao gồm thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và 5 huyện (Vĩnh Lợi, Hoà Bình, Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải); có 64 ĐVHC cấp xã (gồm 49 xã, 10 phường và 5 thị trấn).
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh) năm 2024 ước đạt 65.625 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 41,74%, công nghiệp và xây dựng chiếm 16,84%, dịch vụ chiếm 36,58%. Tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,66 triệu đồng/năm.
Tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên 5.274,50 km2, dân số khoảng 1.540.169 người. Về mặt hành chính, tỉnh Cà Mau có 9 ĐVHC cấp huyện trực thuộc, bao gồm thành phố Cà Mau và 8 huyện (Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển); có 100 ĐVHC cấp xã (gồm 82 xã, 9 phường, 9 thị trấn).
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh) năm 2024 đạt 48.291 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế năm 2024: Khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 31,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 28,8%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 35,3%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 4,0%. GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 72,6 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 đạt 26.757 tỷ đồng.
Theo yêu cầu, định hướng, việc hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên tỉnh Cà Mau nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương trong kỷ nguyên mới của đất nước, của dân tộc, phù hợp với xu thế chung của thế giới, thì việc xây dựng Đề án sắp xếp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau là phù hợp, cần thiết.
Phương án của Đề án là thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất ĐVHC tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Trên cơ sở thực hiện song hành hai nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, sắp xếp ĐVHC cấp cơ sở; bảo đảm sau sắp xếp tỉnh Cà Mau (mới) tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); phát huy tiềm năng và lợi thế của 2 tỉnh về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC cấp tỉnh sau sắp xếp.
Tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội tương đồng, mỗi tỉnh có lợi thế riêng có thể bổ sung để mở rộng không gian phát triển; có sự gắn kết chặt chẽ về cộng đồng dân cư, vị trí địa lý, lịch sử hình thành đơn vị hành chính; có hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ phát triển đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ngày càng cao của tỉnh mới và kết nối với khu vực.
Thành phố Cà Mau nằm ở địa đầu cực Nam của Tổ quốc Việt Nam, giữ vai trò trung tâm kinh tế - hành chính của vùng bán đảo Cà Mau, là trung tâm tiểu vùng phía Nam của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí đặc biệt quan trọng về cả địa chính trị, quốc phòng và phát triển kinh tế biển, phù hợp để trở thành trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh sau sắp xếp.
ĐVHC cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp là tỉnh Cà Mau (mới) có diện tích tự nhiên là 7.942,38 km2 (đạt 158,85% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 2.606.672 người (đạt 186,19% so với tiêu chuẩn) và 64 ĐVHC trực thuộc (55 xã, 9 phường). Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC tỉnh Cà Mau (mới) đặt tại số 2 Hùng Vương, Phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau hiện nay.
Trong phần thảo luận, đại biểu tham dự hội nghị đánh giá rất cao tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả của Tổ công tác và tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo đề án hợp nhất 2 tỉnh.
Các đại biểu khẳng định, việc hợp nhất 2 tỉnh để bổ khuyết cho nhau, mở rộng không gian phát triển là phù hợp, hết sức cần thiết. Đây phải coi là thời cơ mà tỉnh Cà Mau mới phải nắm bắt để đẩy mạnh phát triển gắn với các mục tiêu chiến lược đề ra để khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế so sánh nổi trội, riêng biệt.
Cũng trong chiều 22/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã thảo luận và cho ý kiến đối với công tác chuẩn bị của Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.
LS