• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cà Mau vươn mình từ biển, bừng sáng tương lai

(Chinhphu.vn) - Mùa hè năm 2025 - một mốc thời gian sẽ được khắc đậm trong lịch sử tỉnh cực Nam của Tổ quốc, khi hai địa phương Cà Mau và Bạc Liêu chính thức hợp nhất thành một tỉnh mới: Tỉnh Cà Mau. Cái tên cũ nhưng với tầm vóc và khát vọng mới – không còn là vùng đất xa xôi, mà là trung tâm năng động, kết nối trục phát triển ven biển Tây Nam Bộ, đang từng ngày vươn mình mạnh mẽ.

07/07/2025 16:23
Cà Mau vươn mình từ biển, bừng sáng tương lai- Ảnh 1.

Cột cờ Mũi Cà Mau - Ảnh: VGP/Thanh Triết

Từ hai nửa thân thương, đến một chỉnh thể hài hòa

Bạc Liêu và Cà Mau từng là hai tỉnh bạn kề vai sát cánh, chia sẻ chung một vùng văn hóa đặc trưng Nam Bộ, cùng gánh những gian khó từ thời khẩn hoang, rồi cùng nhau vượt bão lũ, chiến tranh và cả những thăng trầm trong phát triển kinh tế. Nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói, sự chia cắt hành chính nhiều năm qua đã dẫn đến một thực tế là cả hai tỉnh đều phát triển chậm, thiếu kết nối, mạnh ai nấy làm, tài nguyên bị phân tán, hạ tầng thiếu đồng bộ, tầm nhìn không đủ xa.

Câu chuyện sáp nhập ban đầu cũng vấp phải những lo ngại: Liệu có xáo trộn tổ chức? Liệu có đánh mất bản sắc địa phương? Nhưng rồi, chính người dân - những người sống trọn đời với con nước, với con tôm, cây lúa, những người miệt mài trên ruộng muối hay đầm tôm... là những người đầu tiên đón nhận chủ trương này bằng sự đồng thuận sâu sắc. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng chia tách chỉ tạo ra những rào cản vô hình, còn kết nối sẽ mở ra cơ hội phát triển, đổi đời.

Một bản đồ mới đang hình thành. Không còn ranh giới hành chính cứng nhắc, Cà Mau mới bây giờ có đủ biển và rừng, điện gió và điện khí, du lịch sinh thái và văn hóa dân gian, cảng biển và giao thương quốc tế, đô thị và nông thôn thông minh. Sáp nhập không chỉ là cộng gộp địa lý, mà là sự kết nối về tầm nhìn phát triển, tư duy điều hành và khát vọng bứt phá.

Tỉnh Cà Mau mới rộng hơn với dân số hơn 2,6 triệu người, diện tích gần 8.000 km2, kinh tế đa dạng, văn hóa phong phú. Một vùng duyên hải Nam Bộ từng bị xem là "vùng trũng" đang dần trở thành trung tâm tăng trưởng mới, cực Nam của chuỗi đô thị biển quốc gia, có thể kết nối xuyên suốt từ Phú Quốc, Kiên Giang, qua Cà Mau, đến Cần Thơ, TPHCM và xa hơn nữa.

Cà Mau vươn mình từ biển, bừng sáng tương lai- Ảnh 2.

Bạc Liêu: Trăm năm hạt muối - đời người - Ảnh: VGP/LS

Về đường bộ, chiều dài tuyến đường ven biển Đông - Tây khoảng 67 km từ cửa biển Gành Hào (Biển Đông) đến điểm cuối là cửa biển Sông Đốc (biển Tây) đã rút ngắn thời gian đi lại của người dân, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển kinh tế vùng ven biển trọng điểm của tỉnh mới kết hợp với đường ven biển từ An Giang đi Cà Mau, những cây cầu kết nối xuyên rừng ngập mặn, vượt qua các cửa sông lớn, đã nối liền các huyện từng bị cô lập. Đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khi hoàn thành không chỉ rút ngắn khoảng cách di chuyển, mà còn rút ngắn luôn khoảng cách phát triển giữa Cà Mau và vùng trung tâm.

"Cà Mau không còn xa cách nữa", một cụ ông ở Đầm Dơi cười móm mém khi thấy ô tô từ Sóc Trăng về Năm Căn chỉ mất hơn 3 giờ đồng hồ, thay vì cả ngày như trước.

Dưới góc độ nhà khoa học có thời gian dài làm việc ở tỉnh Minh Hải cũ (nay là Cà Mau) và tham gia xây dựng quy hoạch 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL phân tích: Sau hợp nhất, Cà Mau có gần 300 km bờ biển, là 1 trong 4 ngư trường rộng nhất cả nước, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn khoảng 170 tỷ m3, có 3 cụm đảo gần bờ quan trọng là Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Đá Bạc.

Do vậy, Cà Mau mới đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế biển của vùng và quốc gia cùng cơ hội giao thông thủy, giao thương hàng hải, nhất là qua nối kết với Malaysia, Thái Lan, Campuchia và quốc tế. Đồng thời, đây là tỉnh có diện tích rừng hơn 100.000 ha lớn nhất ĐBSCL, giàu tài nguyên và đa dạng sinh học cho cả hai hệ sinh thái ngọt và mặn cấp quốc gia và quốc tế.

Đối với vùng ĐBSCL, lợi thế khác biệt của Cà Mau giúp không chỉ liên kết phát triển kinh tế biển với các tỉnh ven biển của vùng, như: Đồng Tháp; Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, mà còn liên kết vùng phát triển "tam ngư", là ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường. Bên cạnh đó, còn hợp tác đối ngoại với Malaysia, Thái Lan, tiểu vùng Mekong và các nước khác để phát triển kinh tế hàng hải cho cả vùng ĐBSCL và quốc gia.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh đánh giá: Cà Mau mới có lợi thế khác biệt là đặc điểm đa dạng địa hình, sinh thái-sinh học; tài nguyên và khoáng sản; đa dạng văn hóa từ nối kết sông và biển, đất ngập nước đến biển đảo, dẫn đến đại diện về tính đặc thù địa chính trị kinh tế và đại diện nhiều lĩnh vực nông công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch của vùng ĐBSCL và Việt Nam.

Đồng thời, Cà Mau có hai cơ hội vượt trội do lợi thế khác biệt về không gian kinh tế biển và không gian kinh tế nông nghiệp. Hai không gian kinh tế này tương tác nhau để mở rộng không gian kinh tế, không những tìm đường phát triển Cà Mau và còn là cơ hội rất lớn để mở rộng phát triển không gian kinh tế cho bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó là lợi thế so sánh về thủy sản cho người dân nuôi từ môi trường nước ngọt, lợn, mặn. Nhất là tôm, cua và giáp xác là lợi thế khác biệt của Cà Mau cần liên kết với An Giang để phát triển mạnh nuôi biển nước lợ thời gian tới.

Cơ cấu lại: Bứt phá từ thế mạnh

Cái hay của "công cuộc sắp xếp lại giang sơn" là không để mất đi bản sắc riêng từng vùng, mà ngược lại, phát huy thế mạnh đặc thù của từng nơi để tạo nên sức mạnh tổng thể.

Bạc Liêu vốn mạnh về "những cánh đồng điện gió", âm nhạc dân gian, du lịch tâm linh. Những trụ turbine lớn in bóng xuống biển như những chiếc chong chóng khổng lồ đón gió tương lai. Cải lương, đờn ca tài tử, lễ hội Dạ cổ hoài lang... giờ đây không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn là "đặc sản tinh thần" thu hút du khách. Thành phố Bạc Liêu được quy hoạch thành đô thị vệ tinh chuyên biệt về công nghiệp điện, logistics và trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa cấp vùng.

Cà Mau, với đặc sản là rừng U Minh, hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ rất đa dạng và độc đáo, con tôm nước lợ, cua gạch Năm Căn, đã và đang phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp - thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Những cánh rừng ngập mặn không chỉ là "lá phổi xanh" mà còn là "ngân hàng carbon" phục vụ thương mại tín chỉ carbon - một xu thế thời đại.

Sự phân vai rõ ràng ấy không chỉ giúp tỉnh mới vận hành hiệu quả, mà còn tránh trùng lặp, chồng chéo, giảm chi phí đầu tư. Đó là dấu hiệu rõ ràng của tư duy phát triển chiến lược và khoa học.

Cà Mau vươn mình từ biển, bừng sáng tương lai- Ảnh 3.

Thu hoạch tôm càng trên đất lúa - Ảnh: VGP/Thanh Dũng

TS. Trần Hữu Hiệp, nguyên Vụ trưởng của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chỉ ra "tam giác động lực" Cà Mau khi sáp nhập Bạc Liêu, Cà Mau mở ra không gian phát triển đa chiều cho mảnh đất cực Nam Tổ quốc với 3 mặt giáp biển, hình thành "tam giác động lực", gồm kinh tế biển, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái.

Theo chuyên gia, kinh tế biển là thế mạnh quan trọng của tỉnh Cà Mau mới, tận dụng thế mạnh nuôi, khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản cao cấp, từ tôm, nghêu đến các loài đặc sản vùng Gành Hào để xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Cảng biển và hệ thống logistics hiện đại sẽ kết nối trực tiếp với các đầu mối xuất khẩu, thu hút FDI và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Về năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đã tiên phong làm "cánh đồng điện gió", trong khi Cà Mau sở hữu tiềm năng khí - điện - đạm. Quy hoạch chung sẽ tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, phát triển các khu năng lượng xanh quy mô lớn, giảm chi phí đầu vào cho công nghiệp và tiêu dùng, đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu phát thải thấp.

Tỉnh Cà Mau mới cũng sở hữu nhiều tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn với thế mạnh của du lịch biển và du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa, làng nghề truyền thống, như nghề muối, nghề làm khô cá... "Hành trình xanh" khám phá các đầm ngập mặn Đất Mũi, vịnh Gành Hào, hay Hòn Khoai, hòn Đá Bạc... cùng các mô hình homestay cộng đồng và du thuyền sinh thái sẽ kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu và đồng hành cùng bảo tồn môi trường.

Để hiện thực hóa "tam giác động lực", chính quyền địa phương cần ưu tiên hoàn thiện hạ tầng giao thông biển - đất, cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đây chính là đòn bẩy để Cà Mau trở thành biểu tượng mới của kinh tế biển, năng lượng xanh và du lịch sinh thái.

Cà Mau vươn mình từ biển, bừng sáng tương lai- Ảnh 4.

Dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau - Ảnh: VGP/Thanh Dũng

Dân sinh là cốt lõi - hợp nhất để phục vụ dân tốt hơn

Tôi gặp chị Bảy, một hộ dân nuôi tôm ở Phước Long, giờ không còn vùng ranh giới cũ giữa hai tỉnh như trước kia. Chị cười vui vẻ: "Hồi xưa đi làm giấy tờ mà phải chạy qua lại hai tỉnh, cái đất nằm bên đây, nhưng con cái học trường bên kia, phức tạp lắm. Giờ chung tỉnh rồi, thấy nhẹ cả đầu".

Sáp nhập hành chính, nếu chỉ nhìn trên giấy tờ là chuyện của Nhà nước. Nhưng hiệu quả thực tế chính là khi người dân cảm thấy đời sống thay đổi, thủ tục nhanh hơn, hạ tầng tốt hơn, tiếp cận dịch vụ công dễ hơn, trạm y tế được nâng cấp, trường học được xây mới, các xã nghèo được đầu tư nhiều hơn... Đó là cách mà Nhà nước đáp lại niềm tin của dân.

Chính quyền tỉnh mới cũng quyết tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng lõi đô thị như TP. Cà Mau, TP. Bạc Liêu trước kia với các huyện nghèo, như Cái Nước, U Minh bằng cách dồn lực đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn… tỉnh đã bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.

Bởi người dân chính là thước đo thành công của mọi cuộc cải cách.

Cà Mau vươn mình từ biển, bừng sáng tương lai- Ảnh 5.

U Minh mùa mật ngọt - Ảnh: VGP/Thanh Dũng

Khát vọng mới ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc

Từ mảnh đất được ví như "mũi tàu của Tổ quốc", sáp nhập 2 tỉnh là cơ hội mới để Cà Mau tận dụng lợi thế thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh và ngày càng nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; không đầu tư dàn trải, ưu tiên hạ tầng số, chuyển đổi xanh, thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và logistics biển.

Tỉnh Cà Mau luôn xác định rõ tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp là cốt lõi trong chính sách mời gọi đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp không chỉ là nhà đầu tư, mà còn là đối tác, là lực lượng đồng hành cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Cà Mau luôn chủ động lắng nghe, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả.

Trao đổi với người viết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại chia sẻ: Tỉnh Cà Mau xác định rõ, việc tháo gỡ được "nút thắt", "điểm nghẽn" về giao thông sẽ mở đường đưa Cà Mau vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới.

Theo ông Phạm Thành Ngại, tỉnh Cà Mau đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, như: Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (sẽ hoàn thành trong năm 2025), tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian kết nối giữa Cà Mau với các trung tâm kinh tế lớn như Cần Thơ, TPHCM và vùng Ðông Nam Bộ. Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm; dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Phan Ngọc Hiển… Triển khai dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng quý II/2026.

Đồng thời, đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn tỉnh, như: Tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi; cảng Hòn Khoai và tuyến đường nối từ đất liền ra đảo Hòn Khoai; nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh; tuyến đường ven biển tỉnh Cà Mau.

Với lợi thế tự nhiên độc đáo, vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng ngày càng hoàn thiện và môi trường đầu tư minh bạch, ngày càng được cải thiện rõ nét cùng với quyết tâm xây dựng nền hành chính công minh bạch, thân thiện phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cà Mau đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đưa Cà Mau trở thành "cứ điểm" sản xuất điện tái tạo quan trọng của các tỉnh phía Nam và cả nước, phát triển kinh tế biển, du lịch biển đảo tại Cà Mau là những mũi nhọn quan trọng đưa tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau vững bước đồng hành phát triển cùng đất nước trong kỷ nguyên mới.

Trên nền di sản quý giá của đất phương Nam, một Cà Mau mới đang được kiến tạo, không phải để xóa đi quá khứ, mà để làm cho quá khứ ấy tiếp tục sống động trong một tương lai tươi sáng hơn.

Hợp nhất để phát triển không phải là câu chuyện riêng của hành chính, mà là chuyển hóa từ tư duy chia tách sang tư duy hội nhập, từ mạnh ai nấy làm sang cùng nhau tiến bước. Cà Mau mới hôm nay là minh chứng sống động rằng: Khi lòng dân thuận, khi lãnh đạo quyết đoán và biết dựa vào thế mạnh của nhau, thì vùng đất nơi cực Nam của Tổ quốc có thể trở thành nơi khởi nguồn của khát vọng vươn lên./.

Lê Sơn