Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Ngày 24/11, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (1951-2016) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất.
Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tiền thân là Đoàn văn công nhân dân Trung ương. Qua 65 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát luôn là nơi quy tụ những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Đây cũng là nơi đặt nền móng cho nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn ca, múa, nhạc ở Việt Nam như: Độc tấu nhạc cụ dân tộc, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hòa tấu dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch…
Với định hướng phát huy vốn văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa giữ được cốt cách dân tộc, vừa mang hơi thở của thời đại, 65 năm qua, Nhà hát đã xây dựng hàng nghìn tiết mục phục vụ công chúng, nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng cuộc sống mới. Năm 2016, Nhà hát đã phục vụ 100.000 lượt khán giả. Đặc biệt là giai đoạn chuyển giao tự chủ 100% từ năm 2015 (trước đó từ năm 2009 đã tự chủ từng phần), Nhà hát đã vượt qua khó khăn về tài chính khi bị cắt giảm ngân sách để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chúc mừng các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ của Nhà hát có những đóng góp rất đáng trân trọng, rất ý nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, phát huy, giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc. Không chỉ vậy, các nghệ sĩ, nhạc sĩ của Nhà hát đã đem đến cho những người dân bình thường sự hưởng thụ và cảm nhận nét đẹp của cuộc sống, văn hóa, âm nhạc.
Ấn tượng với những trăn trở về hướng phát triển tiếp theo trong phát biểu của lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bên cạnh việc tôn vinh những giá trị truyền thống, nghệ sĩ tên tuổi, cần có cơ chế cổ vũ, khuyến khích những gương mặt mới, đáp ứng thị hiếu mới của công chúng, trong bối cảnh đất nước mở cửa, văn hóa nếp sống từ bên ngoài du nhập vào rất mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Từ câu chuyện về một chương trình biểu diễn kết hợp nhuần nhuyễn giữa các tác phẩm thế giới và những tiết mục truyền thống vô cùng gần gũi, bình dị, đầy sức sống của các nghệ sĩ Thái Lan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không gian sáng tạo cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ luôn rất rộng. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước thì công việc chính thuộc về các nghệ sĩ.
"Cha ông ta từ nghìn đời đã trao truyền lại cho chúng ta rất nhiều di sản, để lại những tác phẩm giá trị cho thế hệ ngày hôm nay không chỉ phát huy mà còn phải làm mới, làm giàu, bồi đắp bằng cả công nghệ, lối sống mới. Đó là trách nhiệm với thế hệ đi trước.
Làm sao các thế hệ đi trước truyền lại ngọn lửa, kinh nghiệm cho lớp sau để văn hóa truyền thống của Việt Nam được tỏa sáng, hiện đại, hội nhập nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc, để những nét văn hóa truyền thống vẫn có sức lôi cuốn đương đại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn giới văn nghệ sĩ nước nhà tiếp tục góp thêm sức mạnh, cảm hứng vào công cuộc đổi mới, cổ vũ cái mới, cổ vũ cái tốt để đẩy lùi những thứ trì trệ lạc hậu, cái ác, cái xấu.
Mỗi chương trình, tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam khi biểu diễn ở nước ngoài không chỉ là niềm tự hào với truyền thống đấu tranh mấy nghìn năm, với một nền văn hóa cổ truyền mà còn tự tin có thể sánh cùng các tác phẩm của thế giới.
* Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Đình Nam