Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 26/10, Bộ Y tế tổ chức Lễ khai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa I, lớp 8, thuộc Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)".
Khoá khai giảng này có 35 bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia Dự án, với 9 chuyên ngành cho 10 tỉnh và 24 huyện khó khăn, biên giới khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung.
Các chuyên ngành gồm: chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, nội, ngoại, nhi, xét nghiệm, sản, truyền nhiễm. Các bác sĩ sẽ được đào tạo tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sỹ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Dự án này là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.
Dự báo, trong giai đoạn 2021-2030, nước ta vẫn cần bổ sung khoảng 72.000 bác sĩ và 304.000 điều dưỡng.
Cũng tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các cơ sở tham gia đào tạo (Trường Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện đào tạo thực hành), phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, hỗ trợ, đánh giá quá trình học tập của mỗi bác sĩ trẻ, bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu về nhân lực.
Đối với 10 tỉnh và 24 huyện hưởng thụ số nhân lực được đào tạo, sẽ có nguồn nhân lực được đào tạo về các chuyên khoa theo đúng nhu cầu và đặt hàng của đơn vị, vì vậy Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế tạo điều kiện cho học viên bảo đảm thời gian tham gia khoá đào tạo và có chế độ, chính sách theo quy định đối với các bác sĩ.
Đối với các học viên, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị, cần tuân thủ nghiêm túc các quy chế, nội quy của Trường Đại học Y Hà Nội, bảo đảm học tập đúng thời gian quy định; thấm nhuần từ nhận thức đến hành động, tự giác, tự nguyện nỗ lực hết sức trong từng giờ học, giờ thực hành để lĩnh hội được đầy đủ kiến thức, kỹ năng, y đức từ các thầy cô, đồng nghiệp, người bệnh trong quá trình học tập, để đạt được kết quả tốt nhất về kiến thức, kỹ năng, hành vi đáp ứng nhu cầu sức khỏe của cộng đồng theo chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đặc biệt này.
Trước đó, hoạt động đào tạo bác sỹ chuyên khoa I của Dự án được thực hiện bằng nguồn Dự án HPET. Nguồn này đã kết thúc vào tháng 12/2020. Từ năm 2021, bằng sự hỗ trợ của Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn Vingroup, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã tổ chức khai giảng 6 lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa I cho 224 bác sĩ trẻ tình nguyện tại các vùng khó khăn thuộc khu vực miền núi phía bắc, miền Trung, Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nam Bộ.
Hiền Minh