Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, năm 2021 là năm đầu tiên Bộ Nội vụ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngành nội vụ đã hoàn thành một cách toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2021.
Theo đó, ngành đã tập trung tham mưu về xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tổ chức Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tham mưu và phối hợp chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2021. Đồng thời, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ động tham mưu đẩy mạnh cải cách nền hành chính Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, năm 2021, Bộ đã chủ động, tích cực tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia và Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết số 08/2021/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được giữ ổn định như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ nhằm tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV; đồng thời, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện mục tiêu kép. Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Giảm 8 huyện, 561 xã, 16.321 tổ dân phố
Các địa phương tiếp tục rà soát sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến cuối năm 2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015. Một số địa phương đã chủ động, sắp xếp tổ chức bộ máy như Cao Bằng, Bình Phước, Ninh Thuận, Cà Mau, Lạng Sơn, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Gia Lai... Bắc Giang, Đắk Lắk, Bình Định, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Lào Cai, Hải Dương… đã ban hành văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở.
Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau năm thực hiện nghị quyết này, đến nay, cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã, 16.321 thôn, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với các địa phương quan tâm phát triển đô thị; theo đó tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn; hướng dẫn triển khai mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM). Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ phù hợp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa ở các địa phương, mà còn hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị “phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội”.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, lần đầu tiên cả nước đã hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế mà Bộ Chính trị đề ra (10%), trong đó, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015. Việc tinh giản biên chế cơ bản đã gắn với cơ cấu, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.
Xuất phát từ nhu cầu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do tăng dân số cơ học, Bộ Nội vụ đã chủ động, phối hợp với Bộ GD&ĐT kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương để bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp theo yêu cầu của Quốc hội.
Cải cách hành chính để xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, đổi mới phương pháp kiểm tra công tác CCHC ở các bộ, ngành, địa phương; tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, Hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 202013; triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá CCHC để phục vụ điều tra xã hội học xác định Chỉ số CCHC năm 2021; xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực. 100% các cơ quan hành chính đã tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử và áp dụng đồng bộ công cụ theo dõi, đánh giá mới phục vụ kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Công tác CCHC góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân theo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đặt dấu ấn cho năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình tổng thểCCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Đề xuất bỏ nhiều chứng chỉ
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; rà soát xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện phân cấp triệt để trong tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Nổi bật là Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Qua đó, vừa giảm gánh nặng văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức, vừa đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn. Những đổi mới trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức này được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao.
Bộ đã rà soát, xây dựng và ban hành các thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức thuộc lĩnh vực quản lý ở các bộ chuyên ngành, bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Riêng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
Lê Sơn