Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
TS Nguyễn Đình Cung |
Kinh doanh gas có mặt trong danh sách 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Nhưng Luật này cũng chỉ rõ, điều kiện kinh doanh đó chỉ được đặt ra trong một số trường hợp nhất định, như bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người…, đồng thời bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng là Tổ phó thường trực Tổ công tác liên ngành rà soát, xây dựng danh mục trên trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư trình Quốc hội thông qua.
Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Cung cho rằng muốn đánh giá một điều kiện kinh doanh, trước hết phải xem mục tiêu khi đặt ra điều kiện là gì, điều kiện đó có giúp ta đạt mục tiêu hay không và nếu đạt thì với chi phí như thế nào, chi phí ít nhất nhưng phải cho lợi ích cao nhất. Bao trùm lên tất cả, điều kiện kinh doanh đó phải phục vụ người tiêu dùng và khuyến khích doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, bình đẳng.
“Nhưng dường như cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị định nói trên đã không đi theo cách tư duy như trên. Tôi không thấy rõ mục tiêu quản lý ở đây là gì”, ông Cung nói. Kinh doanh gas là ngành kinh doanh có điều kiện bởi gas là chất dễ cháy nổ, tức là có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người và môi trường, nhưng nhiều yêu cầu trong dự thảo dường như không có hiệu quả trong việc hạn chế, giảm thiểu các nguy cơ này.
Chẳng hạn, theo ông Cung, đó là yêu cầu thương nhân xuất nhập khẩu gas phải có cầu cảng thuộc sở hữu hoặc thuê từ 5 năm trở lên, có tối thiểu 150 nghìn bình gas, có trạm nạp gas vào chai thuộc sở hữu hoặc thuê, có hệ thống phân phối, có kho chứa…
“Ai cũng thấy quy định như thế có vẻ hợp lý. Nhưng việc nhập khẩu gas đương nhiên phải có những thứ đó, vấn đề là doanh nghiệp có thể đáp ứng được theo những cách thức rất linh hoạt, ví dụ đi thuê. Khi đó, sẽ có rất nhiều người tham gia vào và chi phí, rủi ro sẽ được phân tán thay vì chỉ dồn vào một người. Ngược lại, chi phí gia nhập thị trường rất lớn, chỉ những người đã kinh doanh lâu năm mới có thể đáp ứng được”, ông Cung phân tích.
“Việc bắt buộc doanh nghiêp phải thuê cầu cảng trong 5 năm cũng vô lý. Giả sử ở nơi đó tôi chỉ có một khách hàng nào đó và mỗi năm chỉ cập bến có 1 lần thì tại sao phải thuê suốt 5 năm?”, ông Cung đặt vấn đề.
Tóm lại, quy định như vậy sẽ tạo vị trí độc quyền cho các doanh nghiệp lâu năm, trong khi hạn chế các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Hậu quả là ngay cả khi giá gas thế giới giảm rất mạnh, giá gas trong nước không thay đổi hoặc thay đổi rất chậm. Như vậy, lợi nhuận lớn mà một số doanh nghiệp thu được sẽ không do sự năng động, sáng tạo, mà là do chính những quy định mang tính áp đặt đã tạo ra một cơ cấu thị trường triệt tiêu cạnh tranh.
Nỗi lo doanh nghiệp không quen cạnh tranh
Nhắc tới câu chuyện về giá cước vận tải trong thời gian qua, ông Cung không đồng tình với quan điểm Nhà nước phải can thiệp buộc doanh nghiệp giảm giá. Chính những điều kiện kinh doanh không hợp lý trong lĩnh vực vận tải đã hạn chế các doanh nghiệp mới vào thị trường một cách nhanh chóng và kết quả là các “ông” doanh nghiệp cũ cứ “bình chân như vại”.
Tình hình sẽ khác, giá cước sẽ tự khắc giảm không cần sự can thiệp của Nhà nước, nếu các điều kiện kinh doanh đó được sửa đổi, các doanh nghiệp mới liên tục gia nhập thị trường và gây sức ép cạnh tranh bằng việc giảm giá khi có khả năng.
Trong kinh doanh hiện đại, điều quan trọng nhất là ý tưởng kinh doanh và các điều kiện kinh doanh bất hợp lý sẽ làm thui chột, tiêu diệt động lực sáng tạo. Đáng tiếc là trong khoảng 400 văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh đã được Tổ công tác rà soát, có không ít điều kiện kinh doanh như vậy.
“Nếu chúng ta cứ tư duy như cũ, cứ loay hoay lo 150 nghìn bình hay 300 nghìn bình gas thì khó mà có được một đội ngũ doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với thế giới. Bởi không ít doanh nghiệp Việt Nam thành công nhờ những yếu tố phi thị trường như trên và họ không quen cạnh tranh đúng nghĩa”, vị Viện trưởng lo ngại. Nói cách khác, “nếu không thay đổi tư duy, mọi công sức cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đổ sông đổ biển”.
Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bỏ đi tất cả các điều kiện kinh doanh. Vẫn phải có những điều kiện như các bình gas, các kho chứa phải có các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật cụ thể về phòng chống cháy nổ. Tương tự, trong lĩnh vực vận tải, phải bảo đảm an toàn cho các phương tiện. “Và phải thực hiện cho bằng được, nếu vi phạm thì trị cho đến nơi đến chốn, thậm chí phạt cho sạt nghiệp luôn”, ông Cung đề xuất.
Sắp tới, Chính phủ sẽ phải tiến hành rà soát lại các điều kiện kinh doanh để đáp ứng được yêu cầu như trong Luật Đầu tư đã quy định. Ông Cung nhận định đây sẽ là việc rất khó, rất phức tạp nhưng nếu làm được sẽ có tác động rất lớn.
Không tiết lộ cách thức rà soát, nhưng ông Cung chắc chắn rằng việc thay đổi tư duy của đội ngũ quản lý rất quan trọng, đặc biệt là tư duy của các Bộ trưởng. “Thủ tướng đã khẳng định bao nhiêu lần, là quản lý nhà nước không được tạo khó khăn, cản trở mà phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một thông điệp như thế, các Bộ trưởng phải nắm bắt đầu tiên”.
Hà Chính