• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Các BV công đã sẵn sàng

(Chinhphu.vn) – Đây là quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP 2019 thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện (BV) lớn.

07/06/2019 10:02

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Ảnh: VGP/Thuý Hà

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, kể từ khi triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP (Nghị định 43) của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bộ mặt nhiều BV công lập đã có thay đổi đáng kể.

Nhờ có quyền tự chủ, các BV có điều kiện thực hiện cơ cấu lại bộ máy, định hướng phát triển nguồn nhân lực và nhất là huy động vốn, mua sắm trang thiết bị hiện đại; có cơ chế đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện để giúp người dân được khám chữa bệnh (KCB) bằng những kỹ thuật cao, ngang tầm các nước có nền y học phát triển. Đồng thời thu nhập của cán bộ y tế cũng tăng lên, tạo tâm lý ổn định và hài lòng đối với cán bộ y tế. 

Gần đây, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư quy định giá dịch vụ y tế, đã từng bước đưa cơ cấu lương vào giá dịch vụ y tế (DVYT), giảm bớt nguồn ngân sách cấp cho các BV có nguồn thu từ BHYT cao.

Vì vậy, có thể nói đến thời điểm này nhiều BV công lập đã sẵn sàng để tự chủ hoàn toàn.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP 2019 về thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện lớn, bà đánh giá thế nào về chủ trương này?

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên: Nghị quyết 33 có nhiều nội dung đổi mới, được coi là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế để phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Điểm khác biệt quan trọng trong nghị quyết này là không chỉ tự chủ tài chính mà các BV được tự chủ toàn diện cả về: thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, về tổ chức và nhân sự, về đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản, về tiền lương, giá dịch vụ y tế.

Đây là 4 BV đã được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất khá khang trang, trang thiết bị y tế khá hiện đại, đặc biệt có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu, đội ngũ điều dưỡng có tay nghề cao.

Đội ngũ lãnh đạo các trung tâm, viện, khoa của BV đều có trình độ chuyên môn cao, uy tín, kinh nghiệm trong quản lý, tâm huyết, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển BV.

Theo bà khi các BV thực hiện tự chủ toàn diện, thì người bệnh được lợi gì, bản thân BV được lợi gì và xã hội được lợi gì?

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên: Đối với BV sẽ chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất theo chủ trương xã hội hóa, cải cách thủ tục hành chính, đưa ra các giải pháp tạo sự hài lòng người bệnh, nâng cao chất lượng KCB và uy tín của BV ngày càng nâng cao.

Còn người bệnh đi khám chữa bệnh thuận lợi hơn, chất lượng KCB được hưởng chất lượng dịch vụ cao, các thủ tục hành chính đỡ phiền hà hơn, người bệnh sẽ hài lòng hơn.

Đất nước sẽ có các BV hiện đại, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân trong nước và thu hút người dân nước ngoài đến KCB. Nhà nước sẽ giảm gánh nặng đầu tư cho các BV và có thể sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm này điều tiết cho những lĩnh vực y tế khác đang cần để phục vụ an sinh xã hội tốt hơn như: Y tế dự phòng, y tế cơ sở, đào tạo nhân lực.

Trả lời câu hỏi của Báo điện tử Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác đánh giá Nghị quyết 33 là một bước đột phá trong vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong lĩnh vực y tế.

“Đây là lần đầu tiên các BV được cho phép tự chủ hoàn toàn cả đầu tư xây dựng phát triển, trang thiết bị y tế, mua sắm, chi phí thường xuyên trong đó lương của nhân viên”, ông Tác nói.

Trước đây không có hội đồng quản lý, khi quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm, đầu tư, chi tiêu… BV đều phải xin ý kiến phê duyệt của Bộ Y tế nhưng sau khi thành lập Hội đồng quản lý theo Nghị quyết 33, Hội đồng phải chịu trách nhiệm trước Bộ về mọi mặt.

Đơn cử như quy chế tổ chức hoạt động của BV, quy định tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo, chiến lược phát triển… trước đây do Bộ Y tế phê duyệt thì nay giao cho Hội đồng quản lý nên ít thủ tục hơn, thời gian nhanh hơn.

Tương tự việc mua sắm trang thiết bị hay áp dụng các kỹ thuật điều trị mới thay và phải qua Bộ thẩm định, đồng ý thì BV được chủ động mời hội đồng đồng khoa học thẩm định thông qua là có thể triển khai.

Theo ông Phạm Văn Tác, rất nhiều việc trước đây và hiện tại Bộ Y tế đang làm được chuyển cho các BV tự chủ hoàn toàn còn Bộ chỉ giữ vai trò giám sát, kiểm tra và xây dựng chiến lược, định hướng phát triển cho cả hệ thống y tế.

Nhiều trang thiết bị hiện đại đã được các BV đầu tư trong quá trình thực hiện tự chủ. Ảnh: VGP/Đình Nam

Còn những khó khăn mà các BV sẽ phải vượt qua khi tự chủ toàn diện, thưa bà?

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên: Tôi nghĩ rằng Nghị quyết của Chính phủ với các nội dung giao quyền tự chủ cho các BV phù hợp với định hướng phát triển của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, cơ bản là tạo điều kiện thuận lợi cho BV và cho người dân, tuy nhiên bước đầu thực hiện chắc chắn sẽ gặp một số khó khăn.

Trước hết là chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, đặc biệt là các chuyên gia, thầy thuốc giỏi chưa hợp lý. Giá dịch vụ y tế chưa tính đủ chi phí. Việc xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ bên ngoài khó thực hiện do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Đặc biệt, trong KCB BHYT, việc giao dự toán chi phí KCB chưa sát thực tế, thiếu căn cứ; công tác giám định BHYT còn qua nhiều khâu, nhiều tầng, nhiều thủ tục; việc áp định mức chi phí trong KCB chưa hợp lý, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT chậm.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chưa tính đủ chi phí, hiện giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào giá viện phí là khấu hao tài sản, trang thiết bị, điện nước, đào tạo – nghiên cứu khoa học. Nếu giá viện phí được tính đúng, tính đủ thì khi thực hiện tự chủ, BV sẽ đỡ khó khăn hơn.

Thực tế nhiều BV vẫn e ngại khi nói đến tự chủ vì sợ ngân sách Nhà nước không đầu tư nữa, còn xã hội thì lo BV chạy theo lợi nhuận thay vì cung cấp dịch vụ y tế công theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Thậm chí nhiều người còn lo nếu có cơ chế kiểm soát quyền lực thì BV công sẽ biến thành BV của một nhóm lãnh đạo, nhóm lợi ích. bà nghĩ sao về vấn đề này ?

Những lo ngại trên cũng có cơ sở, tuy nhiên trong giai đoạn thí điểm, Chính phủ chọn 4 BV đều là BV lớn thuộc Bộ Y tế, là những BV có uy tín, giám đốc của 4 BV là những người có kinh nghiệm và uy tín về chuyên môn, có kinh nghiệm trong công tác quản lý, khi thực hiện Nghị quyết này các BV sẽ được Bộ Y tế thành lập Hội đồng quản lý (HĐQL) BV gồm 7-11 người, trong đó chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc BV.

Trong Nghị quyết đã nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của HĐQL, với kinh nghiệm và giữ uy tín của mình, Chủ tịch HĐQL kiêm Giám đốc BV sẽ phát huy vai trò của HĐQL, các lãnh đạo các khoa phòng của BV để đạt được mục tiêu trong nghị quyết đã nêu. Trong nghị quyết cũng đã quy định rõ về đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, việc thực hiện chuyên môn, về tiền lương, giá dịch vụ y tế và thành lập ban kiểm soát.

Với các quy định cụ thể trong nghị quyết, với việc giữ uy tín cho BV và tính chủ động, sáng tạo, đổi mới tôi tin rằng sau 2 năm thực hiện thí điểm nghị quyết này 4 BV sẽ thành công đạt được mục tiêu đề ra và có thể nhân rộng ra nhiều BV công lập khác.

Cá nhân tôi nhìn nhận ngay cả trong quá trình thí điểm tự chủ toàn diện, một số BV đa khoa, chuyên khoa, được đầu tư trang thiết bị hiện đại và đào tạo nhân lực cũng có thể hoàn toàn tự chủ ví dụ như BV Đa khoa Phú Thọ hay BV Đại học Y dược TPHCM.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Xuyên cũng nhận xét với đặc thù của hệ thống y tế, hệ thống BV công lập, điều kiện kinh tế-xã hội ở một số vùng miền thì việc thực hiện quyền tự chủ hoàn toàn BV công còn rất nhiều việc phải làm và cũng không thể “một sớm, một chiều”. Cần thực hiện đúng lộ trình triển khai các Nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ KCB của các cơ sở y tế công lập theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Xin cám ơn bà!

Thúy Hà (thực hiện)