Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội Hồ Đức Việt |
Sáng 19/6, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt đọc Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và thảo luận tại Hội trường về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến tán thành những nội dung của dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu.
Trong đó, có 315/368 đại biểu tán thành phương án “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia.
Đối với quy chuẩn kỹ thuật địa phương, 326/368 đại biểu tán thành việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với sản phẩm, hàng hóa đặc thù, đặc hữu của địa phương và các yêu cầu cụ thể về môi trường cho phù hợp với đặc thù về địa lý, khí hậu, thủy văn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc khuyến khích sự tham gia rộng rãi của tổ chức, cá nhân vào hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động này, đồng thời áp dụng được nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của công chúng vào việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn đã được quy định, vì vậy cần quy định “khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia xây dựng áp dụng tiêu chuẩn quốc gia”.
Đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) |
Dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Quốc hội thảo luận tại Hội trường trong phiên họp ngày 24/5/2006. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan và Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật này. Đồng thời, các đại biểu cơ bản đồng ý với những phần đã được tiếp thu và chỉnh sửa khác; đặc biệt là sự cần thiết phải ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đổi mới toàn diện và thống nhất điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các đại biểu đã tham gia đóng góp một số chi tiết cụ thể để bổ sung, hoàn thiện nội dung trong từng điều của dự thảo luật.
Chiều 19/6, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển trình bày. Dự thảo luật này đã được Chính phủ trình và Quốc hội thảo luận tại phiên họp ngày 24/5/2006.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ đã sửa đổi bổ sung một số điều của dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý, như điều 6, Ban soạn thảo đã thiết kế lại theo hướng xác định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời làm rõ hơn việc xã hội hóa trợ giúp pháp lý là việc các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp cần tham gia; đồng thời bổ sung quyền lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý vào khoản 2 điều 11 của dự thảo Luật. Đáng chú ý là 205/230 ý kiến tán thành Quỹ trợ giúp pháp lý được hình thành từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, các nhân; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Cuối phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành nên ban hành Luật Trợ giúp pháp lý, vì đó là một trong những nhu cầu cần thiết của thực tế hiện nay. Có nhiều người nghèo và đối tượng chính sách hiểu biết pháp luật còn hạn chế, có trường hợp không biết tự bảo vệ khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại và không có khả năng chi trả phí dịch vụ pháp lý…
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tich Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp khá nhiều ý kiến vào các nội dung của điều luật. Từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật với tinh thần cố gắng cao nhất để trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội, về thuật ngữ chuyên môn, đây là vấn đề rất là khó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm sâu về lĩnh vực này góp ý trực tiếp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan, dựa vào nhà chuyên môn, các Viện nghiên cứu, các nhà quản lý sâu về lĩnh vực này để rà soát lại một lần nữa, chỉnh sửa lại các từ ngữ dùng cho thật chuẩn với mức độ cao nhất để trình Quốc hội thông qua.
Ngày 20/6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về dự thảo Luật Chứng khoán và dự thảo Nghị quyết về các dự án, công trình quan trọng quốc gia./.
Đông Bình