Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hàng hóa thiết yếu đã sẵn sàng phục vụ Tết |
Đến thời điểm này, hệ thống siêu thị ở Hà Nội cơ bản chuẩn bị đủ lượng hàng hóa phục vụ Tết. TP Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ tổng lượng hàng trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó có 2.000 tỷ đồng hàng bình ổn giá.
Chủ động cung ứng hàng hóa vào dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị lượng hàng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với năm cùng kỳ 2011.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Cần Thơ, tính đến ngày 15/11 các doanh nghiệp đã có kế hoạch tạo nguồn hàng dự trữ với tổng giá trị hàng hóa trên 2.489 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, dầu ăn... Lượng hàng hóa chuẩn bị của các doanh nghiệp khá lớn, phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã để chuẩn bị phục vụ nhân dân trong dịp mua sắm Tết.
Hệ thống phân phối hàng hóa Tết tại TP. Cần Thơ cũng được bố trí thông qua các kênh như hệ thống siêu thị, hệ thống chợ truyền thống, các điểm bán lẻ bình ổn giá, bán hàng lưu động về nông thôn, khu công nghiệp, khu dân cư, tổ chức phiên chợ hàng Việt về quận, huyện,... nhằm đưa hàng hóa đến tận các xã, phường, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với hàng hóa sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Tại TP. Đà Nẵng, các doanh nghiệp, các nhà bán lẻ đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng Tết với tổng giá trị gần 500 tỷ đồng. Dù sức mua được dự báo sẽ không tăng mạnh như mọi năm, nhưng lượng hàng hóa về Đà Nẵng sẽ tăng khoảng 15% trong dịp cuối năm.
Tính đến đầu tháng 10/2012, toàn thành phố Đà Nẵng đã có 126 đơn vị hoạt động kinh doanh, trong đó có 6 trung tâm thương mại tổng hợp, 35 siêu thị chuyên doanh và tổng hợp, 85 chợ truyền thống. Đây được xem là cơ sở hạ tầng thương mại chủ lực của thành phố, phân phối trên 20.000 mặt hàng các loại. Ngoài ra, tham gia vào mạng lưới phân phối hàng hóa còn có 27.000 cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh các loại từ tạp hóa, thực phẩm đến các mặt hàng chuyên doanh.
So với Tết Nhâm Thìn 2012, dự kiến doanh số bán hàng dịp Tết Nguyên đán sắp tới trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tăng 13% (đạt trên 1.835 tỷ đồng). Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, các doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đã sớm triển khai kế hoạch phục vụ Tết Quý Tỵ với chuỗi 115 cửa hàng, điểm bán lẻ và 3.604 đại lý trên toàn tỉnh. Hầu hết các mặt hàng dự trữ đều tăng so với Tết năm trước.
Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, mặt hàng điện máy được chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán khá phong phú, đạt giá trị 120 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; mặt hàng dệt may chuẩn bị cũng đạt giá trị 52 tỷ đồng (tăng 21%).
Dự kiến khoảng cuối tháng 12 năm nay, Sở Công Thương An Giang sẽ phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức chương trình “Tuần hàng chào năm mới 2013”. Đồng thời, sẽ tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn quy mô lớn để cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán....
Quốc Hà