Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 29/7, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên cả nước là 244.757.059 liều. Trong đó, ngày 28/7, cả nước đã triển khai tiêm hơn 933.000 liều vaccine – đây là ngày có số liều tiêm nhiều nhất trong thời gian qua. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) ở một số địa phương vẫn còn rất thấp.
Cụ thể, đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi 3 trên cả nước đạt 71,9%, mũi 4 đạt 49,3%. Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 thấp gồm Hải Phòng (52,3%); Quảng Nam (47,3%); Khánh Hòa (52,2%); Bình Thuận (50,1%); Đồng Nai (46,2%). Trong khi các địa phương có tỉ lệ tiêm cao, đã đạt trên 95%, như Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).
Đối với mũi 4 ở nhóm từ 18 tuổi trở lên, các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp gồm Bắc Kạn (25,1%); Quảng Trị (21,7%); Phú Yên (18,8%); Đắk Lắk (24,1%); An Giang (24,9%). Trong khi có địa phương đạt tỉ lệ tiêm cao trên 96% như Quảng Ninh (96,8%); Bà Rịa – Vũng Tàu (96,3%); Kiên Giang (96,1%).
Đối với nhóm từ 12 đến dưới 17 tuổi, tỉ lệ tiêm nhắc đạt 33%. Các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi nhắc thấp gồm Hà Tĩnh (11,3%); Điện Biên (2,5%); Phú Yên (8,8%); Bình Thuận (10,7%); Bà Rịa – Vũng Tàu (10,8%). Các tỉnh có tỉ lệ tiêm mũi nhắc cao gồm Bắc Giang (76,3%); Trà Vinh (76,8%); Vĩnh Long (66,9%).
Nhóm từ 5 đến 11 tuổi, mũi 1 đã triển khai tiêm cho 7.881.588 trẻ (68,9%); mũi 2 đạt 36,5% với 4.171.290 trẻ. Các địa phương có tỉ lệ tiêm thấp ở nhóm đối tượng này gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Quảng Nam, Hà Tĩnh.
Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các địa phương trên cả nước đã nỗ lực triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trong tháng 7 này. Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, nước ta sẽ đạt được mục tiêu bao phủ mũi 3, mũi 4 cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, tốc độ tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi còn thấp.
Tại cuộc họp bàn giải pháp để tăng tốc độ tiêm vaccine COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ rõ những nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 ở nước ta.
Thứ nhất là do vẫn còn nhiều thông tin trái chiều về tác dụng phụ của vaccine nên ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi tham gia tiêm chủng đầy đủ.
Một bộ phận không tiêm mũi 3, mũi 4, đặc biệt là người đã mắc COVID-19 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh. Nếu có mắc, bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nên dẫn tới tâm lý chủ quan.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra, đó là sự di biến động dân cư, một số lượng lớn người dân quay trở lại các thành phố để học tập, làm việc, vì vậy việc thống kê đối tượng tiêm mũi 3, mũi 4 gặp khó khăn. Ngoài ra còn có khoảng 15 triệu người đã tiêm liều bổ sung, tuy nhiên một lượng lớn người dân trong số này không tiếp tục tiêm liều nhắc lại, mặc dù đã có truyền thông, tư vấn, vận động của nhân viên y tế.
Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, theo báo cáo của các địa phương, thời gian vừa qua, số trẻ mắc COVID-19 rất nhiều (khoảng 3,5 triệu trẻ mắc COVID-19 trong tháng 2-4/2022) nhưng đa số trẻ mắc ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh nên không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc trẻ chưa đủ thời gian tiêm chủng sau khi mắc bệnh (tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ngay sau 3 tháng mắc bệnh).
Đồng thời, đây cũng là thời gian nghỉ hè nên rất khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước – triển khai tiêm chủng ở trường học.
Đặc biệt, không ít phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, lo ngại các tác dụng phụ lâu dài của vaccine đối với trẻ nên không đồng ý cho con tiêm chủng, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ... còn ở mức thấp.
Theo bà Dương Thị Hồng, với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, sắp tới các cháu sẽ quay trở lại trường học chuẩn bị năm học mới. Đây chính là thời điểm thuận lợi để các trường tổ chức tiêm chủng ở trường học cho các cháu.
Nhóm trẻ từ 5 đến 12 tuổi cũng như vậy. Nhất là tính từ thời điểm các bé mắc bệnh thì đến nay cũng đã đủ thời gian để các cháu được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Bà Dương Thị Hồng khẳng định, trong thời gian qua, khi triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngành y tế cả nước không ghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm ở trẻ mà không được xử lý kịp thời. Vì vậy, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mong muốn các bậc cha mẹ đồng thuận cao để các cháu có cơ hội được tiêm chủng, chủ động phòng bệnh.
Ngoài sự đồng thuận của cha mẹ, phụ huynh, bà Hồng cũng cho biết, ngành y tế cũng rất mong muốn các địa phương cùng hỗ trợ ngành y nắm được đối tượng trẻ nhỏ trên địa bàn để động viên gia đình cho các cháu sớm được tiêm chủng vaccine COVID-19, nhằm tạo ra một cộng đồng trẻ trong trường học được bảo vệ trước dịch bệnh COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay và tình hình tiêm chủng ở trong nước nhằm chủ động phòng bệnh, ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả tiêm vaccine trên địa bàn, đồng thời khẩn trương chỉ đạo phát động chiến dịch tiêm chủng: tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vaccine cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến tận cấp xã.
Hiền Minh