Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch sởi tại địa phương, tỉ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ; rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trong trường hợp cần thiết.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cuối năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát cảnh báo số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vaccine sởi.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, trong đó tại TPHCM ghi nhận hơn 500 ca mắc. Đại diện Bộ Y tế cũng cảnh báo, mùa tựu trường đang đến gần, nguy cơ mắc sởi, lây truyền bệnh là rất lớn, đặc biệt tỉ lệ nặng nằm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng.
Theo tổ chức WHO, đại dịch COVID-19 đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine cũng như công tác tiêm chủng vaccine tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vì vậy đã tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em.
Bộ Y tế đang phối hợp với tổ chức WHO, UNICEF cùng các địa phương tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi tại 18 tỉnh, thành có nguy cơ cao, nhằm bao phủ vaccine cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng.
Chiến dịch tiêm vaccine sởi lần này được triển khai mở rộng cho đối tượng trẻ từ 1 - 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine chứa thành phần sởi.
Đối với TPHCM, theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, sau khi công bố dịch quy mô toàn Thành phố, TPHCM cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thực hiện việc khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cách ly y tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân.
Đối với các địa phương khác, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine; tổ chức tiêm bù, tiêm vét và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi.
Đối với người dân, nên thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để chủ động các biện pháp phòng bệnh, không hoang mang lo lắng; đồng thời chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.
HM