Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương khẳng định quyết tâm cao trong đổi mới tư duy, nhận thức, sáng tạo trong thực hiện công tác đối ngoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham luận với chủ đề "Thành phố Hà Nội triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng: Cơ hội, thách thức và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, với vinh dự, trọng trách là Thủ đô, trái tim của cả nước, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, cả trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, lẫn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", đến nay, Hà Nội có quan hệ giao lưu hợp tác với trên hơn 100 thủ đô, thành phố, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác chính thức với trên 50 thủ đô, thành phố, vùng địa phương các nước, là thành viên tích cực, chính thức của nhiều tổ chức liên đô thị quốc tế lớn.
Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hà Nội đã đón gần 29 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7,1 triệu lượt khách quốc tế.
“Công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân được triển khai phong phú về hình thức và đa dạng về đối tác, thể hiện rõ tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng của Hà Nội, từng bước lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, anh hùng, năng động, mến khách, xứng đáng với danh hiệu: Thành phố vì hòa bình”, bà Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Trên cơ sở kế thừa và phát huy đường lối đổi mới và những quan điểm trong công tác đối ngoại của Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nêu 5 nội dung cơ bản mà Thành phố sẽ tập trung đổi mới, bám sát, tổ chức chỉ đạo và thực hiện. Trước hết là đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế. Đối ngoại Thủ đô được triển khai trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, phát triển đô thị; trên tất cả các kênh: Đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền và đối ngoại nhân dân.
Thứ hai là tiếp tục củng cố và mở rộng có hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa Hà Nội với các thủ đô, thành phố, vùng địa phương của các quốc gia. Trong đó, tập trung đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, láng giềng với các nước trong khu vực ASEAN.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
Thứ tư là đẩy mạnh đối ngoại kinh tế để phục vụ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống.
Cuối cùng, phát huy đối ngoại văn hoá, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình", thành phố đổi mới và sáng tạo, tiến tới đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh Việt Nam, ra sức kế thừa và phát huy sức mạnh, truyền thống văn hiến của Thủ đô ngàn văn văn hiến anh hùng.
Lấy đối ngoại lấy kinh tế làm trọng tâm
Là “đầu tầu” kinh tế của các nước, trên cơ sở nhận diện rõ những thách thức và cơ hội, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nêu bật những phương hướng hoạt động và nhiệm vụ đối ngoại của Thành phố trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh và các trọng tâm lớn là tiếp tục phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả.
Tiếp tục tư duy lấy đối ngoại lấy kinh tế làm trọng tâm, ngoại giao phục vụ phát triển, làm động lực mới cho phát triển kinh tế của Thành phố, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19.
Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh, đại dịch đòi hỏi đối ngoại phải triển khai theo cách thức mới, linh hoạt, tinh gọn, có trọng tâm, chiều sâu và hiệu quả về chất; khẳng định Thành phố sẽ gắn các chương trình, mục tiêu phát triển với các hoạt động ngoại giao ở cấp độ quốc gia, đồng thời tiếp tục tăng cường kết nối với các địa phương trong nước nhằm nâng tầm hợp tác thành mạng lưới để cùng cộng hưởng giá trị.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tổng hợp về các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế phục vụ công tác điều hành và dự báo trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, xây dựng hình ảnh đoàn kết, chân thành, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, giàu tiềm năng của thành phố trong giai đoạn phát triển mới.
Công tác đối ngoại với vai trò mở đường
Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa ở miền Trung, trong giai đoạn 2011-2020, Đà Nẵng là một trong những địa phương đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng. Thành phố đã đón gần 5.200 đoàn khách quốc tế, trong đó nhiều đoàn hoàng gia, nguyên thủ quốc gia, cấp bộ trưởng các nước đến thăm, làm việc, tìm hiểu về tình hình phát triển của địa phương và xúc tiến các dự án hợp tác, đầu tư.
Đặc biệt, Đà Nẵng là địa điểm tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế, tiêu biểu như: Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (2018), Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN và các hội nghị liên quan (năm 2020). Thành phố cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa-thể thao mang tầm quốc tế như cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới, lễ hội pháo hoa quốc tế, lễ hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật. Năm 2022, Đà Nẵng được lựa chọn là nơi tổ chức diễn đàn các đường bay quốc tế khu vực châu Á.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định: “Công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, các nguồn viện trợ nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Đà Nẵng”.
Ông Nguyễn Văn Quảng cho hay, Đà Nẵng xác định tầm quan trọng của công tác đối ngoại với vai trò mở đường. Trước các cơ hội, thách thức đang đặt ra, Đà Nẵng xác định nhiệm vụ trong giai đoạn mới cần tập trung thực hiện hiệu quả là tăng cường công tác đối ngoại Đảng. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới.
Tiếp tục nghiên cứu, dự báo thông tin về tình hình kinh tế chính trị thế giới, những định hướng, chỉ đạo của Trung ương để đưa ra những chính sách phù hợp với công tác đối ngoại tại địa phương, đặc biệt là những xu hướng nổi lên sau đại dịch COVID-19.
Tiếp tục thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác song phương, đa phương. Đặc biệt, triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế giữa Đà Nẵng với các địa phương, tổ chức nước ngoài trên các lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trao đổi kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi nhân lực… nhằm góp phần phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế, Đà Nẵng đã ban hành Đề án tổng thể công tác ngoại giao kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đổi mới phương hướng và cách thức tiếp cận các đối tác quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn; khảo sát thị trường mới; tăng mức độ hiệu quả và giá trị thực tiễn của các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư tại thị trường nước ngoài.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng khẳng định, Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác ngoại giao văn hóa và đối ngoại nhân dân; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai những giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm an ninh và chủ quyền biển đảo, góp phần phát triển kinh tế biển.