Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc sáng lập Trung tâm, tác giả của Báo cáo nhận định: Việt Nam là nơi phân bố của hai loài gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (Helarctos malayanus). Cả hai loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép phục vụ nhu cầu khai thác mật để làm thuốc. Gấu thường bị săn bắt trong tự nhiên khi còn là gấu con để đem bán cho các trang trại nuôi nhốt khai thác lấy mật. Hiện Việt Nam có khoảng 3.500 cá thể gấu nuôi nhốt, chủ yếu đều có nguồn gốc từ tự nhiên.
Các loài gấu của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta cần có những biện pháp cấp bách và mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt và buôn bán gấu trái phép tại Việt Nam - bà Vũ Thị Quyên nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã khuyến nghị một số giải pháp như: thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức lâu dài nhằm thay đổi niềm tin về sự kỳ diệu của mật gấu, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các giải pháp thay thế mật gấu (cả thảo dược lẫn tây y). Cơ quan chức năng cải thiện các văn bản luật và chính sách liên quan, cũng như tăng cường thực thi pháp luật để từng bước chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu và việc sử dụng mật gấu. Các cơ quan chức năng cũng cần phải thường xuyên kiểm tra các trại gấu để đảm bảo không có gấu mới nhập vào các trang trại này. Tất cả các cá thể gấu bất hợp pháp và không đăng ký cần được tịch thu, chủ sở hữu phải bị xử phạt thích đáng. Các nhà chuyên môn cần thực hiện các nghiên cứu đánh giá về tầm quan trọng của các quần thể gấu trong tự nhiên, từ đó đề ra các nỗ lực hồi phục và bảo tồn thích hợp. Ngoài ra cần phải nghiên cứu đánh giá về tình trạng nuôi nhốt gấu và các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng khác, sự ảnh hưởng của nó đến việc bảo tồn loài trong tự nhiên.
Những kết quả của cuộc khảo sát này sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn trong việc đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn, hướng tới việc ngăn chặn tình trạng buôn bán và tiêu thụ mật gấu tại Việt Nam, cũng như tăng cường bảo vệ những cá thể gấu có thể là cuối cùng trong tự nhiên ở nước ta.
Nguyễn Hồng Điệp