Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
5 bãi rác chất dẻo khổng lồ trên đại dương. Nguồn ảnh: VnExpress |
Chúng ta hãy hình dung những hình ảnh sau đây: Trên một đảo san hô xa xôi ở Thái Bình Dương, chim hải âu bố mẹ kiên nhẫn mớm mồi cho con mà không biết mồi đó là những mảnh nhựa vụn. Những chú chim non sau đó chết vì suy dinh dưỡng và khi xác chúng bị phân hủy, những mảnh nhựa vụn này quay trở lại môi trường và có thể lại rơi vào một chu kỳ tương tự tiếp theo.
Điều đó cho thấy những đồ phế thải bằng chất dẻo do con người đẩy vào môi trường đã gây tác hại hết sức nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, làm chết hơn 1 triệu con chim biển trong 1 năm. Trong dạ dày của những con chim biển “xấu số” người ta tìm thấy… ống tiêm, bật lửa và cả bàn chải đánh răng.
Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Anh, trải qua hàng thập kỷ và dưới sự tác động của môi trường, rác thải nhựa trôi nổi trên khắp các đại dương có thể bị phân rữa thành những hạt nhỏ, trôi dạt đến mọi vùng biển trên thế giới và từ đó dẫn đến hiện tượng tích tụ rác thải ở nhiều vùng biển.
Với nỗ lực bảo vệ biển và đại dương hơn 25 năm qua, The Ocean Conservancy - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ đã phát động chiến dịch dọn dẹp các bờ biển và bãi tắm ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong thời gian này, gần 9 triệu tình nguyện viên ở 152 quốc gia đã thu gom 66.000 tấn rác trên biển, trong đó nhiều nhất là bật lửa ga, túi đựng thực phẩm và chai lọ các loại.
Nhà sinh thái học Hà Lan Andries van Franeker cho rằng bên cạnh nỗ lực dọn dẹp rác thải chất dẻo, con người cần phải bớt phụ thuộc vào nhựa bao bì, tiến tới việc từ bỏ việc sản xuất các loại bao bì từ chất dẻo.
Theo hướng này, một số nước và vùng lãnh thổ như Australia, Bangladesh, Ireland, Italia và Đài Loan đã cấm sử dụng túi nhựa tổng hợp, đồng thời khuyến khích phát triển công nghệ mới trong việc sản xuất bao bì bằng chất dẻo sạch về mặt sinh thái và phân hủy được về mặt sinh học như túi politetilen sinh học làm từ axit polilactic hoặc từ nguyên liệu ngô biến tính.
Đức Phú