Từ ngày 27 đến 31/10, lũ ở các huyện đầu nguồn đổ xuống theo sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây kết hợp triều cường dâng cao gây ngập úng hàng ngàn ha chanh, mía, lúa, cây ăn trái ở một số huyện là Đức Huệ, Bến Lức, Đức Hòa, Tân Trụ, Châu Thành, Cần Giuộc (tỉnh Long An) thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tại huyện Bến Lức một số tuyến đê bao ở xã Lương Bình, Thạnh Hòa nước lũ chảy xoáy làm sạt lở tràn vào đê bao ngập 1.650 ha mía, trong đó ở các xã An Thanh, Tân Bửu, Tân Hòa, Thạnh Lợi ngập từ 0,6-0,8 mét. Ở xã Bình Hòa Nam là xã nằm dưới nguồn nước lũ của huyện Đức Huệ hiện đã có 254 ha chanh đang thu hoạch bị ngập mất trắng, thiệt hại hơn 22 tỷ đồng và 260 ha cây ăn trái lâu năm. Các huyện Tân Trụ, Châu Thành, Cần Giuộc triều cường dâng cao kết mưa liên tiếp trong mấy ngày qua, cộng với nước lũ đổ xuống theo sông Vàm Cỏ Tây có gần 1.000 ha lúa mùa, đông xuân sớm ngập úng cục bộ.
Các huyện kể trên đang tích cực huy động hàng ngàn lao động tại chỗ gia cố các tuyến đê bao xung yếu để đối phó triều cường, lũ đổ về trong tháng 11 và 12/2011. Huyện Đức Huệ huy động 30 cán bộ, chiến sĩ quân đội để hỗ trợ phối hợp với bà con gia cố các tuyến đê bao ở xã Bình Hòa Nam để bảo vệ gần 500 ha chanh còn lại và cây ăn trái đang bị nước lũ đe dọa. Huyện Bến Lức đầu tư hơn 1 tỷ đồng tập trung gia cố đê bao vùng mía, đồng thời huy động bà con liên kết với nhau sử dụng máy bơm, bơm nước ra sông cho những diện tích nằm trong đê bị nước lũ, triều cường tràn vào để bảo vệ năng suất.
* Nước lũ trên hệ thống sông Mê Kông hiện đang xuống khá nhanh nên lũ đầu nguồn sông Cửu Long (hạ lưu sông Mê Kông) tại vùng Tứ giác Long Xuyên - Kiên Giang duy trì ở mức cao, nước thoát chậm và thiệt hại do lũ tiếp tục gia tăng tại địa bàn 3 huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất.
Mặc dù tỉnh Kiên Giang huy động nhiều lực lượng ứng phó, thực hiện những giải pháp đồng bộ, triển khai các phương án “sống chung với lũ”, nhưng đến hết ngày 31/10, toàn tỉnh đã có 12 người thiệt mạng do lũ, trong đó 9 trẻ em dưới 16 tuổi. Tại ba huyện đầu nguồn lũ là Giang Thành, Kiên Lương và Hòn Đất, 41 điểm trường đóng cửa, với 2.656 học sinh tạm nghỉ học. Mưa lũ làm cho khoảng 2.000 ha lúa, phần lớn là lúa vụ 3 và trên 510 ha rau màu, 1.279 ha cây ăn quả, cây công nghiệp, 2.522 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ước tổng giá trị thiệt hại do lũ trên 115,7 tỉ đồng. Không chỉ có lũ gây thiệt hại, trong tuần qua tại 2 huyện Giang Thành và Hòn Đất còn xảy ra lốc xoáy kèm theo mưa to làm đổ sập, tốc mái hàng trăm căn nhà của hộ dân. Đời sống người dân vùng lũ vốn đã khó khăn càng chồng chất khó khăn, bất lợi hơn.
Các địa phương trực tiếp ảnh hưởng lũ di dời được 1.171 hộ dân trên tổng sổ 6.770 hộ bị ngập nước đến nơi an toàn. Các lực lượng vũ trang như: quân đội, công an, bộ đội biên phòng ngoài việc bảo vệ, tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng lũ còn được giao nhiệm vụ tăng cường quân số, thành lập tổ, đội bám trụ địa bàn giúp dân di dời nhà cửa, thu hoạch lúa, hoa màu, tôm cá nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Duy trì chế độ trực chiến 24/24 cho đến khi nước lũ thật sự rút hẳn để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi tình huống xấu xảy ra. Tăng cường thêm những điểm giữ trẻ an toàn kết hợp tuyên truyền trong nhân dân không được lơ là và nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác, phòng chống lũ, nhất là bảo vệ trẻ em trong gia đình không để bị đuối nước. Tỉnh chỉ đạo hỗ trợ tiền, gạo và những vật dụng cần thiết khác kịp thời cho những gia đình khó khăn, không để một người dân nào ở vùng lũ bị thiếu đói, giúp họ tái đầu tư, khôi phục lại sản xuất khi nước rút.
* Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh: Do ảnh hưởng lũ từ thượng nguồn và con nước lớn từ ngày 27 - 31 / 10/2011, triều cường trên sông Hậu và sông Tiền đã dâng cao làm vỡ đê, gây ngập úng hoa màu, vườn cây ăn trái trên diện rộng ở 7 huyện, thành phố trong tỉnh.
Tính đến ngày 1/11, triều cường đã làm sạt lở và vỡ hơn 60 đê bao cục bộ bảo vệ nhà cửa và hoa màu, vườn cây ăn trái của người dân. Nước sông đã lấn sâu vào nội đồng, dâng cao 50 - 60 cm, gây ngập úng hàng ngàn ha vườn cây ăn ăn trái, cây màu thực phẩm, cây công nghiệp…Tại huyện Trà Cú, trên địa bàn 6 xã, thị trấn đã có 28 đê bao bị nước làm phá vỡ, gây ngập úng gần 600 ha mía và hàng trăm ha hoa màu thực phẩm. Tại huyện Cầu Kè, trên địa bàn 3 xã ven sông Hậu là Ninh Thới, An Phú Tân, Hòa Tân có 10 đê bao bị vỡ, với tổng chiều dài trên 1830 m. Ở huyện Duyên Hải, tại xã Hiệp Thạnh, triều cường đã làm sạt lở tuyến đê ấp Chợ, với chiều dài 1.600m, gây thiệt hại trên 1.000 cây phi lao của rừng phòng hộ ven biển. Còn tại xã Trường Long Hòa, bị sạt lở 3 đoạn đê tại ấp Cồn Trứng, mỗi đoạn có chiều dài 300m ăn sâu vào đất liền và nước biển tràn trực tiếp vào đất sản xuất nông nghiệp. Riêng thành phố Trà Vinh, tại địa bàn cù lao ấp Long Trị xã Long Đức, nước dâng cao vượt khỏi đê bao làm ngập 17ha vườn cây ăn trái.
Để giúp dân khắc phục tình hình thiên tai sớm ổn định đời sống và sản xuất, ông Trần Khiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo cho UBND các huyện và thành phố, Sở Nông nghiệp& PTNT tỉnh, triển khai nhanh công tác vận hành toàn bộ hệ thống cống thủy lợi để thoát úng nhằm giảm bớt thiệt hại diện tích hoa màu, cây ăn trái của người dân; từng địa phương sử dụng nguồn kinh phí dự phòng phòng chống thiên tai, lụt bão để giúp dân gia cố, sửa chữa lại các tuyến đê bao bị vỡ; nhanh chóng di dời các hộ dân nằm trong vùng sung yếu đến nơi an toàn để phòng ngừa triều cường có thể sẽ dâng cao vào con nước lớn trung tuần tháng 11 sắp tới. Riêng Sở Y tế tỉnh chỉ đạo cho các Trung tâm y tế huyện triển khai nhanh công tác vệ sinh môi trường, tổ chức phun hóa chất tại vùng dân cư bị ngập khi nước rút… để phòng ngừa các dịch bệnh xảy ra.
Thanh Tuấn, Huy Hải, Phúc Sơn