Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bình Định phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 37 làng nghề đạt tiêu chí hiện hành. Ảnh minh họa |
Tỉnh Bình Định vừa thông qua Chương trình phát triển công nghiệp và làng nghề đến năm 2020 với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 66.901 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.287 tỷ đồng và vốn từ các doanh nghiệp và xã hội trên 65.614 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các giải pháp khác như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, công tác tổ chức quản lý và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp-xây dựng; phát triển công nghiệp gắn với các khu-cụm công nghiệp và làng nghề đã được quy hoạch, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mới;
Phát triển công nghiệp cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển chiều sâu trên cơ sở công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu và thân thiện với môi trường...
Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, tỉ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp chiếm 26,1%; giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (giá so sánh 2010) đạt 53.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm 10,6%/năm.
Trong đó tiểu thủ công nghiệp đạt 9.000 tỷ đồng và các làng nghề truyền thống đạt 2.650 tỷ đồng; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11%; tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong 5 năm (2016-2020) đạt từ 3,6-3,8 tỷ USD, trong đó khu kinh tế và khu công nghiệp chiếm 45 % và các cụm công nghiệp chiếm 12,5 %;
Thu hút từ 10-15 dự án sản xuất công nghiệp có quy mô trên 100 tỷ đồng/dự án vào hoạt động; thu hút vốn đầu tư vào các khu kinh tế và khu công nghiệp với tổng số vốn 2 tỷ USD và xây dựng 37 làng nghề đạt tiêu chí về làng nghề theo hiện hành.
Thừa Thiên-Huế huy động 7.200 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa xây dựng kế hoạch huy động 7.200 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có thêm 41 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 61 xã, đạt tỉ lệ 59%; có 2 huyện Quảng Điền và Nam Đông phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Đến cuối tháng 9/2016, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 20 xã đã đạt chuẩn NTM; số tiêu chí xây dựng NTM đạt bình quân 14 tiêu chí/xã; trong đó có 22 xã (21,%) đạt 15-18 tiêu chí, 58 xã (56%) đạt từ 10-14 tiêu chí, 4 xã (4%) đạt 5-9 tiêu chí.
Tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn toàn tỉnh giảm từ 14,9% năm 2010 xuống đến nay còn 5,94 %.
Giai đoạn từ 2010-2015, toàn tỉnh đã huy động được 4.584 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách 1.554 tỷ đồng (chiếm 34%); nhân dân đóng góp 306 tỷ đồng (chiếm 6,7%); huy động từ tổ chức, doanh nghiệp, HTX 163 tỷ đồng (chiếm 3,6%); vốn tín dụng là 2.039 tỷ đồng (chiếm 44,5%) và huy động từ nguồn khác là 9 tỷ đồng (chiếm 0,2%).
Hà An (tổng hợp)