Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quảng Bình nhanh chóng khắc phục tình trạng sạt lở tại một số tuyến đường trọng yếu. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, tính đến chiều 15/10, toàn tỉnh đã có 7 người chết, 5 người mất tích và 15 người bị thương; 56.618 hộ bị ngập lụt. Hiện có gần 40 tàu ở cửa Roòn bị đứt neo trôi mắc kẹt tại cửa biển, có 4 tàu đã bị chìm, 5 tàu hàng chở clinke bị đứt neo; giao thông trên các tuyến quốc lộ bị chia cắt; đường sắt bị ngập lụt 8 đoạn, hiện có 4 tàu khách với 366 khách đang kẹt tại ga Lệ Sơn, Mỹ Đức, Đồng Hới; 7 khu gian sạt lở ta luy nền đường...
Để tiếp tục đối phó với các tình huống mưa, lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện khẩn trương các biện pháp bảo đảm an toàn về người; nghiêm cấm việc đi qua các ngầm tràn, đò ngang, khe suối; cương quyết không cho người vớt củi trong lũ, lụt, người đánh bắt cá ở các khu vực nguy hiểm, khu vực vùng đầu nguồn, đặc biệt chú ý quản lý trẻ em, không để đi chơi trong nước lũ.
Đồng thời yêu cầu tiếp tục cứu hộ cứu nạn các tàu đứt neo đang bị mắc kẹt, tàu trôi dạt trên biển và tìm kiếm người mất tích; hỗ trợ tàu khách đang mắc kẹt; tăng cường lực lượng về cơ sở để giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt; thông báo cho các phương tiện khi chưa thông tuyến thì không vào địa phận Quảng Bình để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Lực lượng chức năng vận chuyển lương thực, nước uống trợ cấp ban đầu cho xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Bên cạnh thiệt hại về người, mưa lớn cũng gây ngập lụt 93 xã thuộc 9 huyện, thị xã và thành phố với 24.158 hộ dân. Địa phương có số xã bị ngập nhiều nhất là huyện Thạch Hà với 24 xã bị ngập, Cẩm Xuyên (20 xã), Hương Khê (16 xã); 723 ha lúa bị ngập, hoa màu bị ngập úng, hư hại trên 1.416 ha. Gia cầm bị chết và cuốn trôi trên 99.000 con; gia súc bị chết và bị cuốn trôi gần 2.000 con trâu, bò và lợn. Đường giao thông sạt lở trên 3.170 m3 đất, đá; xói, lở và hư hỏng trên 16 cầu, cống… Mưa lớn cũng làm một số tuyến đường giao thông bị ách tắc như: Quốc lộ 15, 15B, các tuyến đường tỉnh lộ ĐT 553 và 554.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu tăng cường công tác quản lý tàu, thuyền trên biển, bảo đảm an toàn kho hàng, bến cảng, nhà, cửa tài sản của nhân dân; công trình đê điều, an toàn hồ chứa; tiếp tục tập trung cao độ cho công tác ứng phó với tình hình mưa, lũ; kiểm tra, chỉ đạo và vận hành an toàn hồ chứa, điều tiết xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hợp lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình và hạn chế ngập lụt ở vùng hạ du.
Cũng trong ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã ký quyết định cấp phát trên 2.300 phao, bè cứu sinh nhằm ứng phó sự cố, thiên tai cho 13 huyện, thị xã, thành phố và 5 đơn vị khác trên địa bàn tỉnh.
Nghệ An yêu cầu tích cực vận hành các trạm bơm tiêu để tiêu úng. Ảnh: Báo Nghệ An |
Ngoài ra, mưa lớn liên tục trút trong 2 ngày đã khiến cho nhiều tuyến đường, cầu tràn bị ngập, trong đó có một số tuyến đường bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Tại Thành phố Vinh, mưa lũ khiến hàng chục tuyến đường và nhiều khu dân cư bị ngập sâu. Mưa lớn cũng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của tỉnh Nghệ An bị ngập. Trong đó, lúa bị ngập 815 ha; ngô và rau màu các loại 5.206 ha; diện tích nuôi cá 609 ha.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An đã đề nghị các địa phương, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông để chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh; tổ chức triển khai phương án di dời dân tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và vùng trũng thấp đến nơi an toàn; triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ; trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết; kiểm tra bảo đảm an toàn công trình; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.
Đồng thời, yêu cầu tích cực vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu và hệ thống kênh tiêu để tiêu úng, bảo vệ lúa và hoa màu; bố trí lực lượng canh gác để hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, bến đò ngang, đò dọc; nghiêm cấm người dân vớt củi trên sông, suối bảo đảm an toàn về người và tài sản...
Cũng do mưa lớn, hàng nghìn học sinh tại TP. Vinh và huyện Hưng Nguyên đã phải nghỉ học. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã yêu cầu các trường học trên địa bàn thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của áp thấp, mưa lũ để chủ động quyết định cho các em nghỉ học hay đến trường căn cứ vào tình hình thực tế.